(HQ Online)- Tại nhiều hội thảo được tổ chức gần đây, hầu hết các ý kiến đều cho rằng hiện đang là thời điểm “vàng” để đầu tư vào Việt Nam. Tiến sĩ Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã trao đổi với phóng viên Báo Hải quan về nội dung này.
![]() Việc cổ phần hóa DNNN đang mang lại rất nhiều cơ hội đầu tư vào Việt Nam dành cho nhà đầu tư nước ngoài. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào? Khu vực DNNN chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế Việt Nam với một nguồn lực rất lớn. Nguồn lực này đang được phân bố lại do cải cách. Đây là cơ hội rất lớn cho các nhà đầu tư, từ việc tham gia mua cổ phiếu, M&A đến việc trở thành nhà đầu tư chiến lược… Tuy nhiên, cơ hội không chỉ nằm trong quá trình cổ phần hóa, mà nhìn về dài hạn, cơ hội đầu tư vào Việt Nam vẫn rất lớn. Theo quan điểm của tôi, có một số khía cạnh mà các nhà đầu tư có thể xem xét để đầu tư vào Việt Nam. Thứ nhất, Việt Nam nằm trong một khu vực kinh tế năng động và nền kinh tế Việt Nam cũng được coi là nền kinh tế năng động. Trong sự năng động ấy, dân số Việt Nam lại là dân số trẻ, tầng lớp trung lưu đang hình thành và phát triển, đặc biệt ở các thành phố lớn. Điều này mở ra cơ hội đầu tư vào rất nhiều lĩnh vực hấp dẫn như giải trí, du lịch, tiêu dùng… Thứ hai, Việt Nam đang ngày càng tham gia sâu vào nền kinh tế thế giới, đặc biệt là các hiệp định và hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam sẽ tham gia và ký kết trong năm nay và năm sau như: FTA Việt Nam - EU, FTA Việt Nam – Nga - Belarus – Kazakhstan, TPP, ASEAN +6… Các hiệp định này đem lại cho Việt Nam hai cơ hội rất rõ rệt. Đó là, những lĩnh vực nào VN có lợi thế so sánh thì chắc chắn nó sẽ phát huy tốt hơn và thậm chí có những ngành nghề được xem xét sẽ bùng nổ. Ngoài ra, với sự hội nhập sâu sắc như vậy, Việt Nam sẽ tham gia tốt hơn vào các chuỗi giá trị và mạng sản xuất do các tập đoàn lớn và nhà đầu tư lớn chi phối. Bên cạnh đó, Việt Nam đang triển khai chương trình phát triển kết cấu hạ tầng, chương trình này nằm trong tổng thể kết nối khu vực với hàng trăm dự án, hàng trăm tỷ USD. Đây vừa là nền tảng để phát triển các ngành khác, vừa là nơi có thể đầu tư. Một khía cạnh nữa Việt Nam cũng đang xem xét để có những chiến lược phát triển dựa trên lợi thế so sánh sẵn có. Đó là ba lĩnh vực nông nghiệp, du lịch, IT. Vừa qua Bộ Chính trị đã ra nghị quyết mới, nhìn nhận công nghệ IT không phải chỉ là một ngành, mà là nền tảng cho kết cấu hạ tầng cho sự phát triển, như một cách thức đối mới cho phát triển, nâng cao chất lượng tăng trưởng. Ngoài ra, với cách nhìn về phát triển hiện nay, với sự hội nhập hiện nay thì có thể có rất nhiều ngành nghề mới ra đời, liên quan đến sở hữu trí tuệ như thương mại điện tử, tăng trưởng xanh và các ngành gắn với tiềm năng của VN như du lịch, nông nghiệp. Tóm lại, cơ hội mở ra cho Việt Nam là rất lớn nhờ cải cách, hội nhập và tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh. Tuy nhiên, cơ hội vẫn chỉ là cơ hội. Vấn đề là Việt Nam cần có sự cải cách thực sự và sự giao thoa tốt với nhà đầu tư, tăng cường tính minh bạch thì mới có thể biến những cơ hội đó thành hiện thực. Theo Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu (Global Competitiveness Report) năm 2014 được Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố ngày 3-9 cho thấy, tiêu chí bảo vệ nhà đầu tư của Việt Nam hiện đang ở mức rất thấp. Liệu đây có phải là trở ngại lớn của Việt Nam trong việc thu hút nhà đầu tư? Theo quan điểm của tôi, khi nói Việt Nam có tiềm năng đối với các nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài, không có nghĩa Việt Nam là điểm đến tốt nhất, cũng không có nghĩa là Việt Nam không cần cải thiện gì thêm. Trong các bảng xếp hạng đánh giá môi trường kinh doanh hay độ hấp dẫn của Việt Nam đối với nhà đầu tư nước ngoài, chưa hẳn chúng ta đã ở một thứ bậc cao. Trong nhiều năm qua, mức độ cải thiện cũng còn nhiều hạn chế, nhưng chính cái hạng mức thấp đó cũng nói lên rằng dư địa để Việt Nam thực hiện cải cách và ngày càng hấp dẫn hơn còn rất lớn. Bởi nếu Việt Nam đang ở vị trí số 1, thì việc cải cách sẽ rất khó khăn. Riêng về chỉ số bảo vệ nhà đầu tư nước ngoài, hiện Việt Nam đang xem xét sửa đổi các luật như Luật Đầu tư, Luật DN. Trong đó đều có phần rất quan trọng liên quan đến việc bảo vệ nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư, cổ đông thiểu số trong DN cổ phần. Xin cảm ơn ông! |
0 nhận xét:
Đăng nhận xét