Thứ Ba, 29 tháng 7, 2014

[Kinh tế] -Nợ xấu của Vietinbank tăng gấp đôi có đáng ngại?

No xau cua Vietinbank tang gap doi co dang ngai?

Trước tỷ lệ nợ xấu tăng mạnh lên 2,03% chỉ sau 6 tháng, lãnh đạo NH trấn an cổ đông, rằng nợ xấu tăng vì phải áp dụng theo quy chuẩn phân loại nợ mới và vẫn được kiểm soát dưới ngưỡng an toàn (dưới 3%) . Song, nợ xấu "bỗng dưng" tăng nhanh có phải diễn biến bình thường.

Theo kết quả kinh doanh tính đến hết tháng 6/2014, Vietinbank hiện có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất trong nhóm ngân hàng gốc quốc doanh và thấp hơn tỷ lệ chung toàn ngành (3%). Việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng cũng là một trong những biện pháp đang giúp ngân hàng kiểm soát tỷ lệ nợ xấu ở giới hạn cho phép. Dù thực tế, nợ xấu gia tăng nhanh sau khi áp dụng phân loại nợ theo Thông tư 06 (có hiệu lực từ 1/6/2014) sẽ buộc Vietinbank phải tích cực xử lý, thu hồi nợ quá hạn hiệu quả hơn nữa.

Nợ xấu tăng lên 2,03%

Tại Đại hội cổ đông (ĐHCĐ) bất thường ngày 24/7, Chủ tịch HĐQT Vietinbank, ông Nguyễn Văn Thắng, cho biết tỷ lệ nợ xấu (nhóm 3 - 5) của ngân hàng đã tăng cao trong 6 tháng qua, lên mức 2,03% dư nợ (trong khi cuối năm 2013, tỷ lệ nợ xấu chỉ ở mức 1%). Con số nợ xấu cụ thể không được vị lãnh đạo này tiết lộ.

"Do việc áp dụng Thông tư 09 - có những tiêu chuẩn cao hơn về phân loại nợ xấu - khiến những khoản nợ xấu của Vietinbank tăng cao, cũng không có gì bất thường", ông Thắng giải thích và khẳng định không có chuyện nợ xấu nhóm 5 - nợ có nguy cơ mất vốn - của Vietinbank tăng rất mạnh như phản ánh của cổ đông. Hiện, nợ xấu vẫn được ngân hàng kiểm soát trong giới hạn chỉ tiêu 3% được ĐHCĐ thông qua trước đó.

Tuy nhiên, tại thời điểm cuối năm 2013, số nợ xấu của Vietinbank là 3.770 tỷ đồng trên tổng dư nợ cho vay là 376.288 tỷ đồng. Đến giờ, ngân hàng chưa công bố báo cáo kiểm toán 6 tháng đầu năm 2014, nên không rõ số liệu dư nợ cho vay của ngân hàng là bao nhiêu. Giả sử, tín dụng cho vay khách hàng tăng thêm 3% thì số nợ xấu tương ứng với tỷ lệ 2,03% cỡ khoảng hơn 7.860 tỷ đồng, tức là gấp đôi số liệu cuối năm 2013.

Việc nợ xấu của các ngân hàng có thể tăng mạnh sau khi áp dụng Thông tư 09 đã được dự báo trước và nhà băng nào cũng rốt ráo xử lý, bán bớt nợ xấu đi. Nhưng chỉ trong vòng 6 tháng, tỷ lệ nợ xấu của Vietinbank "bỗng dưng" tăng vọt như vậy là điều đáng chú ý. Bởi sau thời gian hơn 1 năm rưỡi trì hoãn Thông tư 02 và chừng 1 tháng áp dụng Thông tư 09, nợ xấu đã diễn biến xấu hơn, phản ánh chính xác hơn tình trạng nợ xấu của Vietinbank. Mà những khoản nợ ấy, dường như đã được "ẩn" đi, khi chính sách siết chặt việc phân loại nợ, trích dự phòng rủi ro chưa có hiệu lực.

Theo báo cáo tài chính của Vietinbank, nợ xấu cuối năm 2012 là 4.889 tỷ đồng (tỷ lệ 1,47% dư nợ) đã giảm xuống còn 3.770 tỷ đồng (1%) vào cuối năm 2013 và hiện tăng lên 2,03%. Từ nay cho đến cuối năm 2014, với việc áp dụng các tiêu chuẩn phân loại nợ xấu cao hơn, liệu nợ xấu của Vietinbank có tiếp tục tăng? Và, nếu không tăng cường biện pháp xử lý hiệu quả, ngân hàng sẽ phải tốn thêm tiền trích lập dự phòng rủi ro, từ đó, ảnh hưởng tới kết quả lợi nhuận năm 2014.

Liên quan đến tình hình nợ xấu tăng mạnh, tại ĐHCĐ, một số cổ đông cũng chất vấn ngay HĐQT Vietinbank về tình hình xử lý nợ xấu, kế hoạch bán nợ cho VAMC. Đặc biệt là phương án, kết quả xử lý các khoản nợ vay đầu tư rất lớn của 2 DNNN là Vinashin, Vinalines, mà khả năng trả nợ đang hết sức khó khăn.

Áp lực chạy đua chỉ tiêu

Trước đó, đầu năm 2014, Vinalines từng công bố thông tin Vietinbank - một trong các chủ nợ của DN này - ngỏ ý muốn trở thành cổ đông chiến lược của các đơn vị thành viên Vinalines khi cổ phần hóa. Phương thức đề xuất là chuyển nợ của các công ty cảng biển tại miền Bắc thành cổ phần vốn góp, cụ thể là Cảng Hải Phòng trong đợt chào bán cổ phần ra công chúng hồi tháng 5 vừa qua. Nhưng sau đó, Vietinbank đã không tham gia mua hơn 25% cổ phần của Cảng Hải Phòng như thông tin loan báo và hiện cũng chưa có động thái nào sẽ mua cổ phần chiến lược tại các cảng biển của Vinalines.

Một cổ đông đặt câu hỏi về việc xử lý nợ xấu từ cho vay đầu tư tàu biển mà Vinalines chưa trả được, có khả năng mất vốn vài trăm tỷ đồng và DN đề xuất ngân hàng xóa nợ. Tuy nhiên, những vấn đề liên quan đến nợ xấu của Vinalines, Vinashin đã không được lãnh đạo Vietinbank giải đáp.

Chủ tịch Nguyễn Văn Thắng cho biết kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2014 của ngân hàng đang bám sát kế hoạch đề ra. Cụ thể, tổng tài sản đến hết ngày 30/6 là 596.380 tỷ đồng, tăng 3,5% so với đầu năm (chỉ tiêu kế hoạch năm là 640.000 tỷ đồng), nhưng tăng mạnh tới 14,3% so với cùng kỳ năm 2013. Tổng nguồn vốn đạt 533.271 tỷ đồng, tăng 3,9% so với đầu năm và tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước. Tổng dư nợ đạt 469.984 tỷ đồng, tăng 2,8% so với đầu năm và tăng 13,6% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế đạt xấp xỉ 50% chỉ tiêu đề ra.

Theo ông Thắng, tỷ lệ thực hiện có thấp so với kế hoạch ĐHCĐ thường niên đặt ra, vì xu hướng tín dụng các ngân hàng thấp. Song so với cùng kỳ năm 2013, tín dụng đầu năm tăng trưởng âm và đã hồi phục, đạt mức 14% vào cuối năm. Và, diễn biến kinh tế vĩ mô năm 2014 có nhiều khởi sắc hơn, sẽ giúp Vietinbank hoàn thành chỉ tiêu tín dụng.

Thu Hằng

Theo Thời báo kinh doanh


0 nhận xét:

Đăng nhận xét