Chủ Nhật, 27 tháng 7, 2014

[Văn hóa] -Khoai tây Trung Quốc “làm xiếc” ở Đà Lạt

Khoai tây Trung Quốc được nhập ồ ạt vào Đà Lạt bị một số tiểu thương “phù phép”, biến thành tên gọi khoai Đà Lạt rồi xuất đi khắp nơi trong khi diện tích cây trồng này tại Đà Lạt đang giảm mạnh.

Khoai Trung Quốc lên Đà Lạt.

Vài năm gần đây, tại vùng chuyên canh cây khoai tây lớn nhất cả nước này đang xảy ra một chuyện kỳ lạ: Khoai tây Trung Quốc từ TP. HCM được nhập ngược lên Đà Lạt với chặng đường dài 300km. Người dân Đà Lạt chẳng ai còn lạ mánh khóe này của không ít tiểu thương, khoai tây vận chuyển về đây không phải là để tiêu thụ mà chỉ làm một việc duy nhất là khoác cho sản phầm Trung Quốc một lớp “áo mới” rồi lại xuất đi khắp nơi tiêu thụ, thị trường lớn nhất vẫn là TP. HCM. Mục đích của hành vi này là để đánh lừa chính người tiêu dùng của chính dân tộc mình đây là khoai tây Đà Lạt. Dĩ nhiên, giá cũng cao xấp xỉ bằng giá bán của khoai Đà Lạt.

Theo thống kê của Ban quản lý chợ nông sản Đà Lạt, chỉ tính trong vòng 1 tháng qua, các tiểu thương đã nhập về chợ này trên 100 tấn khoai tây Trung Quốc. Nguồn hàng chủ yếu nhập từ các doanh nghiệp tại TP HCM, có đầy đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp chứng minh nguồn gốc là khoai tây Trung Quốc nên không thể xử lý vì không phát hiện vi phạm. Một người làm thuê “có nghề” ở chợ nông sản Đà Lạt tiết lộ, thủ thuật biến khoai tây Trung Quốc thành khoai Đà Lạt rất đơn giản. Khoai tây Trung Quốc được nhập về chợ nông sản Đà Lạt theo lô, hàng chục tấn, việc đầu tiên của các tiểu thương tại đây là chỉ đạo người làm phân loại khoai (loại 1, 2 và 3), cho vào bể rửa sạch lớn đất đen đang bám trên củ. Để tạo ra những vết trầy xước giống khoai tây Đà Lạt người ta còn đi ủng giẫm lên đống khoai này. Khi công đoạn trên đã hoàn tất, khoai tây sẽ được vớt ra, chờ cho ráo nước. Ở ngoài những bao tải đất đỏ đã được gia chủ nghiền mịn để sẳn, chỉ chờ khoai ráo nước là rắc lên, đảo cho đều… vậy là khoai tây Trung Quốc nghiễm nhiên theo những chiếc xe tải hạng nặng xuất đi khắp nơi với lời giới thiệu là khoai tây Đà Lạt.



Khoai tây Trung Quốc được nhập về chợ nông sản Đà Lạt để “mặc áo” đánh lừa người tiêu dùng. Ảnh: Kim Ngân.

Trước đó, ông Dương Minh Sơn, cán bộ Ban Quản lý chợ nông sản Đà Lạt cho biết, theo hóa đơn nhập hàng, khoai tây Trung Quốc được tiểu thương nhập về chợ nông sản Đà Lạt với giá chỉ 3.380 đồng/kg. Khoai Trung Quốc sau khi “mặc áo” xuất bán tại vựa từ 10.000 - 12.000 đồng/kg, thậm chí là cao hơn tùy vào thời điểm khan hiếm hay rộ hàng. Chỉ thấp hơn giá khoai tây Đà Lạt 2.000 - 3.000 đồng/kg. Giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng là gần 20.000 đồng/kg. Mặc dù ăn phải khoai tây Trung Quốc với giá “chát”, nguy cơ độc hại rất cao nhưng phần lớn người tiêu dùng không hề hay biết.

Bất lực và tự cứu!...

Theo ông Lại Thế Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng đã nhiều lần lấy mẫu khoai tây Trung Quốc để kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Không ít lần, cơ quan chức năng đã phát hiện trong khoai tây Trung Quốc có chứa chất độc hại cao gấp hàng chục lần cho phép, dĩ nhiên những lô hàng này đều bị tịch thu và tiêu hủy. Tuy nhiên, điều khó khăn nhất hiện nay là khi cơ quan nhà nước tiến hành kiểm tra, các thương lái đều xuất trình được đầy đủ các hóa đơn, chứng từ… chứng minh xuất xứ hàng hóa, họ cũng thừa nhận đây là khoai tây Trung Quốc và lý giải việc “mặc áo” cho khoai tây Trung Quốc là để trông củ đẹp hơn khoai chứ không thừa nhận đó là khoai Đà Lạt nên rất khó xử lý.

Việc không ít thương lái nhập khoai tây Trung Quốc về chợ nông sản Đà Lạt “khoác áo” đánh lừa người tiêu dùng thì ai cũng biết, chính Ban quản lý chợ nông sản Đà Lạt và Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng cũng đã thừa nhận. Tuy vậy, trước đó, kỳ lạ thay ngành Quản lý thị trường Lâm Đồng lại khẳng định không có khoai tây Trung Quốc. Một lãnh đạo Chi cục Quản lý thị trường Lâm Đồng cho biết, không có chuyện tiểu thương “mặc áo” cho khoai tây Trung Quốc mà đó chính là khoai tây Đà Lạt. Vị này nói: Chúng tôi vẫn thương xuyên kiểm tra, việc người dân bôi đất cho khoai tây là có thật nhưng đó là khoai Đà Lạt. Khoai để lâu, lên mầm, muốn cho khoai trông mới và đẹp thì họ bôi đất lên chứ không phải khoai tây Trung Quốc.


Cơ quan chức năng đang lấy mẫu khoai Trung Quốc để kiếm tra nhanh dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Ảnh: Kim Ngân.

Ông Lại Thế Hưng cho biết, trước tình trạng tiểu thương “lập lờ đánh lận con đen” để lừa người tiêu dùng từ khoai Trung Quốc thành khoai Đà Lạt, Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng cho biết đã công bố cách phân biệt nguồn gốc loại nông sản này. Cụ thể, khoai tây Đà Lạt có kích thước vừa phải, thường có hình bầu dục, tròn, ít đồng đều, mặt hàng cùng loại của Trung Quốc to, dài hơn khoai Đà Lạt, có độ đồng đều cao. Hình dạng bên ngoài, khoai tây Đà Lạt vỏ mỏng nên rất dễ bị trầy xước, mắt ở củ ít và nhỏ, trong khi koai tây Trung Quốc vỏ dày, có các chấm nhỏ li ti, mắt củ to. Khi bổ đôi, khoai tây Đà Lạt có màu đục hơn khoai Trung Quốc. Dùng ngón tay lướt trên bề mặt cắt ngang của khoai sẽ thấy khoai Đà Lạt khô, còn khoai tây Trung Quốc nhiều nước. Khi chiên, khoai Trung Quốc dễ bị nát, ăn dẻo, không bùi. Khoai tây Đà Lạt nhiều tinh bột nên khi chế biến khó bị nát, ăn rất bùi, bở.

Đà Lạt hiện đứng đầu cả nước về sản xuất khoai tây với diện tích mỗi năm 1.500 ha, sản lượng 35.000 tấn. Tuy nhiên, diện tích trồng và sản lượng nơi đây đang sụt giảm, trong đó một phần do phải cạnh tranh bất bình đẳng với khoai tây Trung Quốc. Theo Hội Nông dân xã Xuân Thọ, nơi trồng khoai tây lớn nhất Đà Lạt, diện tích khoai tây trái vụ năm nay chỉ còn 15ha thay vì 40-50ha như trước vì không thể cạnh tranh nổi với hàng cùng loại của Trung Quốc


0 nhận xét:

Đăng nhận xét