Chủ Nhật, 24 tháng 8, 2014

[Giáo dục ] -Đại học ngoài công lập: Bắt đóng thuế nhưng kinh doanh thì bị nghi kỵ

Cho đến nay những trường đại học ngoài công lập đầu tiên (19 trường - nay đã có vài ba trường chuyển đổi bằng những cách riêng) luôn gặp đủ loại thử thách trên con đường tồn tại và phát triển.

Dễ thấy nhất về nguyên nhân của tình trạng này, ấy là các trường dân lập không chỉ bị chi phối bởi một quy định pháp lý duy nhất của Quy chế 86, mà thực tế còn phải chịu sự chi phối của quy luật tài chính và quy định tài chính của Nhà nước. Quy chế 86 đã không dự liệu đầy đủ về cái vế thứ hai huyết mạch này. Khi một hoạt động có thu chi, có “doanh số” thì đương nhiên phải được tiến hành theo phương thức của một doanh nghiệp rồi. Và trường đại học dân lập lại có đóng thuế đầy đủ. Vậy thì tại sao người ta lại cứ lặp đi lặp lại rằng trường đại học không thể là một doanh nghiệp rất úy kỵ với những khái niệm cổ đông, cổ tức. Cần phải xác định rằng bản thân từ “doanh nghiệp” không có thuộc tính nào là xấu xa cả. Vấn đề là nó hoạt động có đúng luật pháp không, có minh bạch không và tôn chỉ, mục đích tồn tại của nó là gì? Nếu nó hoạt động trong lĩnh vực giáo dục đại học, với cam kết “bán” cho xã hội một dịch vụ đào tạo xứng đáng, sòng phẳng, không gian dối thì có gì mà bị cấm kỵ. Những ngành nghề khác, không thiết thực, không cao quý bằng được phép làm thì tại sao đối với giáo dục lại không được phép?

Trở về với thực tế trường đại học ngoài công lập của ta thời gian qua, các trường đại học dân lập nói trên xuất hiện từ chính sách xã hội hóa giáo dục. Và thực chất đó là những trường đại học tư thục đầu tiên - tuy tình hình vốn liếng đóng góp ban đầu mỗi trường có cách huy động hoặc cấu tạo cụ thể khác nhau nhưng bản chất của nó không khác mấy với những trường ngoài công lập xuất hiện trong giai đoạn sau (được chính danh gọi là đại học tư thục) khi mà quy chế đã cởi mở hơn, thoáng hơn đối với hoạt động giáo dục đại học. Và nghịch lý thay, các trường ngoài công lập đi tiên phong này lại vẫn còn bị “trói” trong những ràng buộc rất là “cứng nhắc”, hết sức khó khăn cho sự phát triển. Chỉ có mười mấy trường thôi nhưng do cách hình thành vốn hoạt động ban đầu khác nhau mà bị chi phối bởi những quy định giải quyết không khác nhau - không áp dụng sát hợp được với tình hình hình thành vốn hoạt động ban đầu của mỗi trường, nên mặc dầu có quyết định của Thủ tướng phải chuyển đổi tất cả số trường dân lập nói trên sang tư thục chậm nhất là cuối tháng 7-2007 mà mãi đến nay hơn bảy năm rồi cũng chưa có chuyển động gì.

Nhìn chung nếu lãnh đạo Bộ GD&ĐT không ráo riết lo xây dựng hành lang pháp lý đầy đủ và phù hợp để phát huy được những mặt tích cực của khối đại học ngoài công lập, thì không khéo cả một chính sách đúng đắn và cần thiết được đưa ra để vận dụng được sức mạnh của xã hội tiếp tay mạnh mẽ cùng Nhà nước trên mặt trận giáo dục sẽ chỉ đem lại những sự phí phạm vô ích và vô cùng đáng trách!

ANH THỐNG


0 nhận xét:

Đăng nhận xét