Thứ Năm, 21 tháng 8, 2014

[Giáo dục ] -Thử nghiệm qui mô “khủng” của ngành giáo dục?

Để tiếp tục lấy ý kiến dư luận, chiều 18/8, Sở GD-ĐT TPHCM cùng các ban ngành liên quan đã có cuộc Hội thảo “Thí điểm đổi mới giáo dục tiểu học theo chương trình sách giáo khoa điện tử dành cho các lớp 1, 2 và 3”. Song đề án cho dù là thí điểm này được đưa ra bàn thảo đã “vấp” phải rất nhiều ý kiến lo ngại của các đại biểu tại cuộc họp.

Đại diện cho Sở GD-ĐT TPHCM, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc Sở nói, đề án đang trong giai đoạn chờ Bộ GD-ĐT phê duyệt, với mục tiêu nâng cao nhận thức đội ngũ cán bộ và giáo viên trong công tác đổi mới giáo dục toàn diện và căn bản giáo dục Tiểu học nói riêng và giáo dục nói chung; với việc trang bị bộ thiết bị dùng chung, có mức độ tương tác cao cho tất cả các phòng học từ lớp 1 đến lớp 3 để thay đổi môi trường, phương pháp dạy và học hiệu quả hơn.

Cũng theo ông Nam, việc sử dụng máy tính bảng trong bộ thiết bị này với đặc điểm là có cài đặt bộ SGK từ lớp 1 đến lớp 3 sẽ được số hóa bằng công nghệ 3D và các phần mềm dạy và học khác, đáp ứng nhu cầu đổi mới phương pháp quản lý giáo dục tiểu học theo hướng sử dụng công nghệ thông tin, đảm bảo tính khoa học, chính xác và hiệu quả.

Theo đó, TPHCM sẽ có 10.398 giáo viên; 6.874 phòng học; 327.127 học sinh tham gia thí điểm trong chương trình này. Trong đó, có 5.334 học sinh thuộc đối tượng chính sách. Đáp ứng cho đề án thì mỗi phòng học sẽ được đầu tư 262 triệu đồng bao gồm Bộ thiết bị (gồm bảng White board; máy chiếu vật thể, bộ trả lời trắc nghiệm; máy tính xách tay..) trị giá 181 triệu đồng; phần mềm sách giáo khoa điện tử 3D; phần mềm tiếng Anh tăng cường; camera quan sát lớp học; hệ thống âm thanh, tủ sạc máy tính bảng…

Đối với giáo viên tham gia đề án, thành phố sẽ trang bị cho mỗi giáo viên một máy tính bảng bằng nguồn chi từ ngân sách thành phố; riêng số học sinh là 5.334 em thuộc đối tượng chính sách mỗi em được hỗ trợ một máy tính bảng. Riêng các học sinh còn lại, phụ huynh tự bỏ kinh phí mua sắm. Trong đó có khá nhiều loại máy tính bảng cho các hs lựa chọn với giá thành từ khoảng 4 triệu đồng/cái. Nếu ứng với số học sinh cần trang bị máy tính bảng thì tổng số tiền cho việc mua trang thiết bị này vào hơn 1.350 tỷ đồng, trong đó, ngân sách TP phải bỏ ra là hơn 62,9 tỷ đồng và phụ huynh là hơn 1.287 tỷ đồng; khoảng tiền đầu tư cho phòng học tham gia đề án là hơn 1.800 tỷ đồng…

Tuy nhiên ngay sau khi được tham quan, trải nghiệm tại phòng học theo đề án, bà Võ Thị Ngọc Điệp, hiệu trưởng trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1 đã nói, đề án đưa ra chưa làm rõ các khoản tiền trang bị cho lớp học như hệ thống âm thanh, bảng viết.. Nếu đề án đi vào thực hiện, cần bổ sung thêm tai nghe cho mỗi học sinh, tránh việc loa từ máy tính làm ảnh hưởng đến việc học trong lớp. Bên cạnh đó, cần xem lại việc trang bị cho mỗi giáo viên một máy tính vì hiện hầu hết giáo viên nào cũng có máy tính để làm việc mà thay vào đó, nên hỗ trợ thêm vào cho mỗi lớp học. Điều đáng quan tâm nữa là, máy tính bảng trang bị cho HS thì thường phụ huynh muốn mua loại tốt nhất, nhưng tùy kinh tế gia đình mỗi HS, nên có thể cho phụ huynh được phép trả góp hay không.

Cũng theo ý kiến cô Mai Thị Ngọc Lan, Hiệu trưởng trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, đề án sẽ mang lại hiệu quả tốt, phù hợp với tâm sinh lý của các em học sinh. Tuy nhiên, cần phải có sự tự nguyện từ phụ huynh. Ngoài ra, cũng cần quan tâm tới việc HS sẽ sử dụng máy tính bảng với thời lượng thời gian nhiều liên tục trong ngày có ảnh hưởng tới sức khỏe không…

Phát biểu tại hội thảo, ông Hà Hữu Phúc, Vụ trưởng, Giám đốc Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT Phía Nam cho rằng: có thể khẳng định đề án là đúng đắn nhưng cần làm rõ nhiều nội dung bởi đây là một đề án mà lượng tiền đổ vào cả ngàn tỷ đồng. Điều quan trọng nữa là dù là thí điểm trong năm học 2014-2015 nhưng cũng phải thẩm định, đánh giá được tác động ra sao tới học sinh, có nâng cao được chất lượng công tác giảng dạy và học tập hay không, nếu năm sau tốt thì thực hiện tiếp, không tốt thì ngừng lại vì “đây là thí điểm mà!.”…

Có thể nói, những lo ngại của giáo viên, Hiệu trưởng các trường trong đề án thí điểm đưa ra trên đây cũng có căn nguyên của nó. Việc đem hơn 4000 tỷ và trên 300 ngàn HS ra làm thí điểm có thể được coi là một trong những thí điểm tốn kém và qui mô thuộc loại “hoành tráng”, không những của ngành GD mà còn là của bất kỳ ngành nào cũng phải “ước mơ”.

Vấn đề là, đã có những nghiên cứu khoa học nào, đã có những thực tế làm cơ sở cho qui mô của đề án thử nghiệm này, liệu có phù hợp với sức khỏe, tâm sinh lý HS hay không, liệu có phù hợp với thời điểm kinh tế khó khăn khi các ngành nghề, nhà nhà, người người đều đang phải “thắt lưng buộc bụng”? Chưa kể tới chuyện khá nhiều những thử nghiệm về công nghệ thông tin của ngành GD mà gần đây nhất là đề án ứng dụng “bảng tương tác” trong giảng dạy tiếng Anh cho HS Mầm non sau một thời gian áp dụng cho thấy khó sử dụng đồng bộ, hiệu quả không cao, mà nhiều trường hiện còn đang phải đau đầu về chuyện thu nợ tiền từ phụ huynh đóng góp.

Điều quan trọng nữa là ngoài kinh phí, thiết bị thì con người mà ở đây chính là các giáo viên, năng lực liệu đã có thể đồng đều, đáp ứng đủ để triển khai trên diện rộng?


0 nhận xét:

Đăng nhận xét