Chủ Nhật, 24 tháng 8, 2014

[Kinh tế] -Giải pháp kiềm chế nợ “làm khó” nỗ lực phục hồi tăng trưởng của Nhật

Đối với Chính phủ Nhật Bản, bài toán nợ công đang rất cần có lời giải mà tình trạng trì trệ của nền kinh tế đất nước cũng cần phải được đẩy lùi.


Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: AP)


Thế nhưng, cái khó là ở chỗ việc thực hiện giải pháp cho vấn đề này lại đang gây trở ngại cho việc giải quyết vấn đề kia.

Đây là điều có thể thấy khi nhìn vào sự giảm sút mạnh trong GDP quý 2 mà một trong nguyên nhân chính là do việc tăng thuế tiêu dùng kể từ đầu tháng Tư, một trong những cách có thể giúp tăng nguồn thu, nhờ đó giảm nợ công.

Khi lần tăng thuế vừa qua đã ảnh hưởng ngay lập tức đến chi tiêu tiêu dùng trong nước và tăng trưởng kinh tế, một câu hỏi đang được để ngỏ là kế hoạch tăng thuế vào năm tới của Chính phủ Nhật Bản liệu có bị trì hoãn?

Tăng thuế để giảm nợ

Đến cuối quý 4/2013, nợ của Chính phủ Nhật Bản đã đạt mức cao kỷ lục mới 1,018 triệu tỷ yen (9.940 tỷ USD), vượt mức cao kỷ lục được ghi nhận hồi cuối quý 3/2013 là 1,011 triệu tỷ yen và đây là quý thứ ba liên tiếp nợ công nước này vượt mốc 1 triệu tỷ yen.

Số nợ công đó đã nhiều hơn gấp đôi GDP trên danh nghĩa của Nhật Bản là 475.000 tỷ yen (4.640 tỷ USD) vào năm 2012.

Với dân số 127,2 triệu dân, nợ công trên đầu người của Nhật Bản là khoảng 8 triệu yen (78.100 USD). Tình hình nợ công của Nhật Bản hiện xấu nhất trong số các nước công nghiệp phát triển trên thế giới.

Giải pháp tăng chi tiêu công với những gói kích cầu khổng lồ cả về tổng giá trị cũng như tỷ lệ tính trên GDP để kích thích tăng trưởng, đưa nền kinh tế thoát khỏi tình trạng èo uột kéo dài là một trong những nguyên nhân khiến nợ công của Nhật Bản cao như vậy.

Những ảnh hưởng tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính-tiền tệ cùng những nỗ lực tái thiết đất nước sau thảm họa động đất-sóng thần hồi tháng 3/2011 đã khiến nợ công của Nhật Bản gia tăng.

Một nguyên nhân nữa khiến nợ nần của Chính phủ Nhật Bản ngày một chồng chất là chi phí phúc lợi và an sinh xã hội cao.

Tình trạng già hóa dân số khiến chi phí an sinh xã hội chiếm phần lớn nhất trong ngân sách của tài khóa 2013-2014.

Việc Chính phủ đánh mức thuế thấp cùng chính sách lãi suất 0% cũng là nguyên nhân khiến nợ công của đất nước này leo thang. Nguồn thu từ thuế của Nhật Bản chỉ đóng góp 17% cho GDP, thấp nhất trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế.

Để cân bằng cán cân nợ công, tăng thuế tiêu dùng là một trong những lựa chọn của chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe.

Chính phủ Nhật Bản đã chính thức tăng thuế tiêu dùng từ 5% lên 8% kể từ ngày 1/4. Đây là lần tăng thuế tiêu dùng đầu tiên trong vòng 17 năm qua tại Nhật Bản.

Sau lần tăng này, mức thuế dự kiến sẽ được nâng lên một lần nữa vào tháng 10/2015, lên 10%. Theo ước tính của Chính phủ Nhật Bản, nguồn thu từ việc tăng thuế tiêu dùng sẽ đóng góp khoảng 5.000 tỷ yen (48,44 tỷ USD) vào ngân sách tài khóa 2014 (bắt đầu từ tháng 4/2014), và 8.000 tỷ yen mỗi năm sau tài khóa 2015.

Nguồn thu bổ sung sau lần tăng vừa qua sẽ được dành để trang trải chi phí an sinh xã hội ngày càng tăng trong bối cảnh dân số đang già hóa.

Nỗ lực phục hồi tăng trưởng gặp trở ngại

Việc tăng thuế tiêu dùng được cho là một trong những nguyên nhân khiến GDP của Nhật Bản giảm mạnh nhất trong hơn ba năm qua, kể từ thời điểm xảy ra thảm họa động đất-sóng thần.

Trong quý 2 vừa qua, GDP sau khi điều chỉnh theo lạm phát của nước này giảm 6,8% so với cùng kỳ năm trước và giảm 1,7% so với quý trước.

Thuế tăng cùng với những điều chỉnh giá cả không hợp lý đã dẫn đến sự sụt giảm đáng kể trong tiêu dùng và đầu tư. Các số liệu thống kê cho thấy chi tiêu tiêu dùng (hoạt động đóng góp tới 60% GDP của Nhật Bản) giảm 5,2% so với quý trước và giảm 8% nếu tính cả trượt giá hàng hóa, trong khi tăng 2% trong quý đầu năm nay. Trong khi đó, đầu tư vào bất động sản giảm 10,3% và vốn đầu tư giảm 2,5%.

Sự sa sút đó của nền kinh tế Nhật Bản là biểu hiện rõ nhất về tác động của việc tăng thuế tiêu dùng và làm nổi lên thách thức mà chính phủ nước này phải đối mặt trong nỗ lực hồi sinh nền kinh tế sau thời gian dài tăng trưởng trì trệ và giảm phát.

Số liệu mới về GDP là điều đi ngược lại với những thành quả mà chính sách chấn hưng kinh tế của Thủ tướng Shinzo Abe đã mang lại.

Dù còn có những hoài nghi liệu những hiệu quả mà Abenomics đem lại có lâu dài và vững chắc, những số liệu gần đây là chứng cứ khó phủ nhận về những tác động tích cực và mạnh mẽ của chính sách này đối với nền kinh tế Đất nước Hoa anh đào.

Trong quý 1/2014, kinh tế Nhật Bản đạt được nhịp độ tăng trưởng 1,6% so với quý 4/2013 và tăng 6,7% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng mạnh nhất trong vòng hơn hai năm trở lại đây.

Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng, không bao gồm các loại thực phẩm tươi sống, trong tháng 5/2014 tăng 3,4% so với năm trước, mức tăng mạnh nhất trong 32 năm qua.

Trong bối cảnh đó, thị trường lại đang dấy lên hy vọng Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) sẽ phải nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa để đảo ngược tình hình nền kinh tế.

Thống đốc BoJ Haruhiko Kuroda nói rằng sẵn sàng tung ra các biện pháp kích thích tương tự chương trình nới lỏng định lượng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ.

Thế nhưng, không có nhiều dấu hiệu cho thấy khả năng này sẽ sớm xảy ra, bởi ông Kuroda luôn bày tỏ sự lạc quan về triển vọng của nền kinh tế, cho rằng kinh tế Nhật Bản có thể tiếp tục phục hồi khi tác động của việc tăng thuế sẽ yếu dần.

Mới đây, BoJ thông báo sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách tiền tệ ổn định và đánh giá nền kinh tế nước này đang trên đà phục hồi, dù cảnh báo về tình trạng sa sút trong sản xuất và xuất khẩu.

Kế hoạch tăng thuế còn để ngỏ


Số liệu tăng trưởng GDP quý 2 có thể cũng đặt ra câu hỏi liệu ông Abe có thực hiện kế hoạch tăng thuế vào năm tới như lộ trình đã đề ra hay không, khi ông bị chỉ trích về tốc độ thực hiện các biện pháp phục hồi nền kinh tế.

Nếu kinh tế Nhật Bản vẫn tiếp tục giảm trong quý 3, ông Abe có thể sẽ phải hoãn việc triển khai kế hoạch này nếu không muốn nền kinh tế lại rơi vào tình trạng giảm phát và tăng trưởng thấp như sau lần gần tăng thuế tiêu dùng gần đây nhất là vào tháng 4/1997, từ 3% lên 5%.

Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế nhấn mạnh rằng bối cảnh hiện nay đã khác với lần tăng thuế trước, bởi khi đó nền kinh tế chịu tác động mạnh của khủng hoảng tài chính châu Á.

Nhà kinh tế trưởng Yoko Takeda của Viện nghiên cứu Mitsubishi cho rằng GDP quý 2 suy giảm chỉ là do việc tăng thuế, còn kinh tế Nhật Bản vẫn trong quá trình phục hồi. Theo bà, cần chờ số liệu tăng trưởng kinh tế trong quý 3 để quyết định có tiếp tục tăng thuế hay không.

Trước tình trạng sụt giảm của kinh tế Nhật Bản, nhiều nhà kinh tế đã tỏ ý phản đối việc tăng thuế. Nhưng nhiều nhà phân tích cho rằng kế hoạch tăng thuế vẫn cần được thực hiện để làm thay đổi hiện trạng nợ công đang rất tồi tệ của Nhật Bản và để chống đỡ trước tác động của việc tăng thuế, ông Abe phải thực thi các biện pháp nhằm kích thích nhu cầu trong nước.

Nhà kinh tế trưởng của Viện nghiên cứu Dai-ichi Life, Hideo Kumano cho rằng Chính phủ của ông Abe sẽ vẫn phải giữ vững quyết tâm củng cố tài chính công.

Trong một báo cáo, Viện nghiên cứu Mitsubishi khuyến nghị để tránh mối lo ngại rằng việc tăng thuế sẽ gây áp lực lên nền kinh tế, Chính phủ Nhật Bản cần chuẩn bị một gói kích thích trị giá nhiều nghìn tỷ yen.

Nhà kinh tế trưởng của SMBC Nikko Securities Inc, Junichi Makino, cho rằng chính phủ nước này cần soạn thảo ngân sách bổ sung trị giá 5.000 tỷ yen cho tài khóa 2014 (kết thúc vào cuối tháng 3/2015).

Phát biểu sau khi số liệu GDP quý 2 được công bố, ông Abe cho biết sẽ đưa ra quyết định cuối cùng vào cuối năm về việc có thực hiện giai đoạn hai của lộ trình tăng thuế hay không, sau khi đánh giá các số liệu kinh tế được đưa ra vào tháng 12, trong đó có số liệu về GDP quý 3 đã được điều chỉnh. Ông khẳng định chính phủ sẽ nỗ lực hết sức để đưa nền kinh tế trở lại con đường tăng trưởng trên cơ sở phân tích một cách thận trọng tình hình thực tế./.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét