Thứ Bảy, 2 tháng 8, 2014

[Kinh tế] -Tăng lương như vậy, vẫn chưa đáp ứng mức sống tối thiểu

Những ngày này, Hội đồng tiền lương quốc gia đang chuẩn bị họp lần cuối để thống nhất mức đề xuất trình lên Chính phủ phương án điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng khu vực DN năm 2015. Căn cứ vào thực tế mức tiền lương tối thiểu còn thấp hơn nhiều so với mức sống tối thiểu (chỉ đạt khoảng 70%), Tổng LĐLĐVN đã đưa ra mức đề xuất điều chỉnh tăng 19,6% (lương tối thiểu vùng I lên mức 3,2 triệu đồng/ người/ tháng).


CNLĐ sẽ làm việc hiệu quả hơn nếu được tăng lương thỏa đáng. Ảnh: Bắc Việt Mới đạt 80% mức sống tối thiểu

Theo GS.TS Vũ Quang Thọ – Viện trưởng Viện CN-CĐ (Tổng LĐLĐVN) – đại đa số CNLĐ đang hết sức khó khăn do mức thu nhập quá thấp.

Hiện nay, theo số liệu khảo sát của Viện Công nhânCông đoàn - Tổng LĐLĐVN, mức lương trung bình các vùng lần lượt là 4,358 triệu đồng (vùng I); 3,665 triệu đồng (vùng II); 3,549 triệu đồng (vùng III) và 3,153 triệu đồng (vùng IV). Mức thu nhập bình quân như vậy không thể đảm bảo cuộc sống của CNLĐ, đặc biệt là những người đã có gia đình, phải nuôi con.

Tại hội thảo về nhu cầu sống tối thiểu và mức lương tối thiểu do Tổng LĐLĐVN tổ chức (ngày 11.6.2014), các đại diện của Tổ chức lao động quốc tế (ILO), đại diện Công đoàn Úc, nhiều chuyên gia của Bộ LĐTBXH, Tổng cục Thống kê, Bộ Y tế… đều thống nhất rằng, mức lương tối thiểu vùng đang được áp dụng vẫn thấp hơn nhu cầu sống tối thiểu của CNLĐ từ 23% - 32% (tùy theo vùng).

Đề xuất ban đầu của Tổng LĐLĐVN, mức lương tối thiểu vùng cần điều chỉnh tăng khoảng 23% và thu nhập của CNLĐ thuộc vùng I ở mức 3,4 triệu đồng/người/tháng. Mức đề xuất này có khoảng cách khá xa so với đề xuất của đại diện giới chủ là VCCI và Bộ LĐTBXH.

Điều đáng lưu ý là dù các bên chấp thuận và đề xuất lên Chính phủ ở mức đó thì với 3,4 triệu đồng/tháng, NLĐ cũng mới chỉ được đảm bảo 80% mức sống tối thiểu.

Theo kết quả khảo sát đánh giá thái độ của CNLĐ trước việc Chính phủ điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng từ đầu năm 2014, gần 22% CNLĐ không hài lòng, hơn 56% CNLĐ tạm hài lòng với cách điều chỉnh như vậy.


Những vụ ngừng việc tập thể sẽ không xảy ra nếu CNLĐ được chăm lo tốt hơn về lương, thưởng. Ảnh: Bắc Việt

Bao giờ thực hiện được chủ trương của Đảng?

Kết luận số 23-KL/TƯ (ngày 29.5.2012) tại Hội nghị lần thứ năm BCH TƯ Đảng khóa XI, Đảng ta đã đưa ra quan điểm “Điều chỉnh mức lương tối thiểu khu vực DN nhanh hơn để đến năm 2015 đạt mức nhu cầu tối thiểu”. Thế nhưng, với cách tính toán chần chừ, đổ lỗi cho khó khăn, tiến trình tăng lương đảm bảo mức lương tối thiểu phải đảm bảo mức sống tối thiểu chưa biết đến lúc nào mới thực hiện được.

Đại diện VCCI và Bộ LĐTBXH cho đến lúc này mới chỉ nhất trí điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng từ đầu năm 2015 khoảng 14%, như vậy thu nhập tối thiểu của CNLĐ chỉ đạt khoảng 65 – 70% mức sống tối thiểu. Hơn nữa, tại Điều 91 Bộ luật LĐ 2012 quy định rõ, mức lương tối thiểu phải đảm bảo mức sống tối thiểu của CNLĐ và gia đình họ.

Tại tỉnh Bắc Ninh, chỉ trong 1 tháng đầu năm 2014 đã có tới 8 vụ ngừng việc tập thể của CNLĐ. Hàng vạn CN buộc phải ngừng việc bởi họ có cuộc sống quá khó khăn, làm việc nhiều nhưng thu nhập thấp, cuối năm lại bị DN phớt lờ hoặc thưởng quá ít.

Việc để xảy ra những vụ ngừng việc tập thể như vậy khiến cho nhiều DN thiệt hại không nhỏ. Hoạt động SXKD bị ngừng trệ dù chỉ vài ngày cũng khiến cho tiến độ bị ảnh hưởng lớn, dây chuyền sản xuất ngừng trệ phải khởi động lại gây tổn thất lớn… Đó là những bài học lớn cho các DN chưa thực sự quan tâm tới vấn đề tiền lương và cuộc sống của NLĐ.


0 nhận xét:

Đăng nhận xét