Thứ Hai, 1 tháng 9, 2014

[Nhà đất] -Phú Quốc - dấu ấn 10 năm

(Xây dựng) - Sau 10 năm thực hiện Đề án phát triển tổng thể đảo Phú Quốc đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020, Phú Quốc đã đổi thay chóng mặt. Từ một hòn đảo đơn sơ ban đầu, nay Phú Quốc đã “khoác lên mình tấm áo” đô thị loại II.



Phối cảnh khách sạn Vinpearl Resort Phú Quốc

Huyện đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) có diện tích 589,23km2, dân số hơn 108 nghìn người. Nằm ở khu vực trung tâm của vùng Đông Nam Á, trong khu vực Vịnh Thái Lan nên có vị trí đặc biệt quan trọng. Hiếm có một hòn đảo nào được thiên nhiên ban tặng nhiều ưu đãi như Phú Quốc. Đảo Ngọc có chu vi bờ biển hơn 150km, trong đó có nhiều bãi biển đẹp có thể khai thác tốt du lịch. Có rừng nguyên sinh chiếm 65% diện tích đảo là điều kiện quan trọng tạo cảnh quan, môi trường và cũng là nơi trữ nước ngọt cho đảo. Ngoài ra còn có sông, suối, hồ rất đẹp để khai thác du lịch; Phú Quốc còn được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển của thế giới, tạo điều kiện để khách du lịch tham quan, khám phá khi đến đây.

Năm 2004, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 178/2004/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án phát triển tổng thể đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020”. Đây là bước ngoặt đánh dấu sự phát triển của Phú Quốc, đặc biệt tạo thu hút đầu tư cho Phú Quốc phát triển.

Theo TS Nguyễn Thanh Nghị - Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, 10 năm qua chưa có huyện đảo nào được dồn sức tập trung đầu tư phát triển hạ tầng như Phú Quốc. Giao thông được đầu tư hơn 10 nghìn tỷ, công trình biển với đường dây điện cáp ngầm từ đất liền (Hà Tiên) ra hơn 2.000 tỷ. Đặc biệt là hòn đảo xa cách đất liền, cách Rạch Giá tỉnh lỵ của Kiên Giang 120km, cách Hà Tiên 45km nên sân bay là điều kiện tiên quyết để kéo Phú Quốc gần với đất liền. Hiện sân bay quốc tế Phú Quốc đầu tư mới hoàn toàn tiêu chuẩn cấp 4E, tiếp nhận được tất cả các loại máy bay thương mại hiện đại nhất hiện nay, công suất khai thác hiện tại là 2,65 triệu hành khách/năm, với năng lực điều hành bay, không lưu và khai thác khu bay, có thể tiếp nhận 6 chuyến bay cất hạ cánh/giờ. Phú Quốc cũng vừa có chủ trương mở rộng đường băng, sân đỗ, nhà ga để nâng công suất 5 triệu khách/năm… Từ Phú Quốc đi TP.HCM chỉ mất 30 phút bay, đi Hà Nội chỉ 1h45’, đi thủ đô các nước ASEAN xa nhất thì cũng không quá 2h bay.

Trước đây khách du lịch đến Phú Quốc bẳng đường thủy thì tàu phải đậu ngoài khơi, trung chuyển khách bằng tàu nhỏ nên phần nào hạn chế tiếp nhận khách du lịch. Mới đây, Bộ GTVT đã thông qua quy hoạch xây dựng Cảng khách quốc tế cho tàu du lịch quốc tế 5 sao đưa khách đến Phú Quốc. Theo đó sẽ xây dựng cầu cảng dài khoảng 1km nối tiếp vào trục sân bay sân bay Dương Đông cũ, có hệ thống đê chắn sóng để tiếp nhận được tàu 5.000 - 6.000 hành khách. Cảng khách nội địa, hiện mỗi ngày có 8 chuyến ra vào Rạch Giá và 4 chuyến ra vào Hà Tiên với khoảng 3.000 khách đi từ đất liền ra Phú Quốc mỗi ngày. Theo Bộ GTVT, đây là vùng biển có tuyến giao thông đường thủy nhộn nhịp nhất cả nước với lượng chuyên chở hành khách bằng tất cả các tuyến đường thủy trên toàn quốc cộng lại.

Lưới điện Quốc gia đầu năm đã kết nối với Phú Quốc, mang lại hiệu quả kinh tế lớn, tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ các dự án đang thực hiện. Hiện giá điện đã giảm chỉ còn 1/3 so với trước nên hiệu quả sản xuất kinh doanh của các DN được tăng lên. Trục giao thông Bắc - Nam dài 51,5km sắp sửa hoàn thành với vốn đầu tư gần 2.500 tỷ; đường vòng quanh đảo với vốn đầu tư gần 3.000 tỷ cũng hoàn thành được gần 50% và kết nối các trục đường ngang với đô thị Dương Đông, An Thới, Bãi Thơm, Cửa Cạn… tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư thúc đẩy tiến độ các dự án.

Với Phú Quốc, tốc độ tăng trưởng kinh tế trong thời kỳ 2010 - 2013 ước đạt 26,15% mỗi năm, thu nhập đầu người năm 2013 đạt 3.416 USD. Hiện nay, ngoài vốn đầu tư từ ngân sách, Phú Quốc đang nỗ lực tạo mọi điều kiện ưu đãi để thu hút các nguồn lực đầu tư của DN. Đến nay có gần 200 dự án được cấp chứng nhận đầu tư với số vốn trên 135 ngàn tỷ đồng, sẽ tạo tiền đề để Phú Quốc phát triển mạnh hơn, nhanh hơn trong tương lai.

Việc đề nghị công nhận Phú Quốc là đô thị loại II sẽ nâng cao vai trò, vị thế và phát huy tiềm năng lợi thế của Phú Quốc trong mối quan hệ vùng của quốc gia và quốc tế.

Định hướng phát triển của Phú Quốc trong thời gian tới là khu kinh tế - hành chính đặc biệt; là trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp quốc gia và quốc tế; trung tâm thương mại dịch vụ - tài chính tầm cỡ khu vực; đầu mối giao thông quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và hàng không quốc tế; là trung tâm nghiên cứu KHCN chuyên ngành… sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho Phú Quốc phát triển hơn. Cụ thể, năm 2013, Phú Quốc thu hút hơn 416 ngàn khách du lịch; riêng 7 tháng đầu năm 2014, thu hút 325 ngàn khách, trong đó khách quốc tế hơn 75 ngàn (tăng 30%) đạt doanh thu hơn 200 tỷ (tăng 55%). Với xu hướng thu hút khách du lịch như vậy, thêm đó là việc đẩy nhanh tốc độ đầu tư hạ tầng… thì Phú Quốc sẽ phát triển đúng định hướng, thu hút đông đảo khách du lịch.

Cơ sở lưu trú là vấn đề vướng nhất của Phú Quốc, mặc dù lượng khách du lịch tăng rất nhanh nhưng hiện tại Phú Quốc mới có 255 cơ sở lưu trú, trong đó chỉ có 61 cơ sở 1 - 4 sao, điều này cũng hạn chế thu hút khách du lịch. Do đó, Phú Quốc sẽ đẩy mạnh nhanh xây dựng cơ sở lưu trú chất lượng cao trong thời gian tới; theo quy hoạch đã được phê duyệt Phú Quốc sẽ có hơn 78.000 phòng.

Phú Quốc hiện đang xây dựng quy chế quản lý kiến trúc toàn đô thị theo quy hoạch được duyệt và quy chế quản lý kiến trúc từng khu vực của đô thị, có 1 khu đô thị mới quy mô 67,5ha được xây dựng… Trên đảo Ngọc này hiện có 188 đồ án được phê duyệt và còn hiệu lực trong đó có 36 đồ án quy hoạch 1/2000 với diện tích 11.018ha và 152 đồ án quy hoạch 1/500 với tổng diện tích 4.705ha. Cty Nikken Sekkei Civil Engineering Ltd Nhật Bản đã lập và được tỉnh phê quyệt quy hoạch 1/2000 hai khu đô thị Dương Đông và An Thới.

Với sự phát triển của mình, Phú Quốc đáp ứng tốt các tiêu chí trên con đường lên đô thị loại II và ngày 21/8 vừa qua Hội đồng thẩm định quốc gia về nâng loại đô thị đánh giá cao và thông qua đề án công nhận là đô thị loại II trình Thủ tướng Chính phủ xem xét công nhận. Việc đề nghị công nhận huyện đảo Phú Quốc là đô thị loại II sẽ nâng cao vai trò, vị thế và phát huy tiềm năng lợi thế của Phú Quốc trong mối quan hệ vùng của quốc gia và quốc tế. Bên cạnh đó sẽ nâng cao chất lượng đời sống người dân, thực hiện hóa chương trình phát triển đô thị; đáp ứng yêu cầu tăng cường vị trí chiến lược quốc phòng - an ninh; đáp ứng yêu cầu kết nối với chiến lược phát triển của vùng ĐBSCL và quốc gia…

TS Nguyễn Thanh Nghị cho biết, thực hiện chỉ đạo của Trung ương, tỉnh Kiên Giang đã chuẩn bị xong Đề án Đặc khu kinh tế Phú Quốc và đã trình Ban cán sự Đảng Chính phủ. Ban Cán sự Đảng Chính phủ đã có văn bản xin ý kiến Bộ Ngành để hoàn thiện sớm trình Bộ Chính trị. Với đề án này, để phát triển Phú Quốc trở thành một trung tâm dịch vụ du lịch lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á, cần thiết phải có những chính sách ưu đãi vượt trội về thuế, tài chính, ngân hàng, đất đai, nhà ở, đầu tư, thương mại, thu hút nguồn nhân lực... đủ sức cạnh tranh trong khu vực và quốc tế để thu hút mạnh đầu tư, nhất là các nhà đầu tư chiến lược có tiềm lực, thương hiệu và uy tín vào đầu tư phát triển Phú Quốc. Nếu được Trung ương chấp thuận đề án, đây sẽ là một bước ngoặt lớn đánh dấu bước phát triển mới mạnh hơn, nhanh hơn của Phú Quốc trong tương lai. Cùng với cả nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Kiên giang và Phú Quốc sẽ cố gắng hết sức để Phú Quốc phát triển mạnh hơn, xứng đáng là hòn Ngọc của Tổ quốc.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thanh Nghị cho biết, ngày 01/11 tới, tổ hợp khách sạn 5 sao Vinpearl Phú Quốc do Tập đoàn Vingroup đầu tư đi vào hoạt động gồm 750 phòng, sân golf 27 lỗ, trung tâm vui chơi giải trí nhạc nước, thủy cung… Đây là tổ hợp 5 sao đầu tiên tại Phú Quốc cũng như khu vực ĐBSCL. Cuối nay nay cũng sẽ có thêm 2 tổ hợp khách sạn 5 sao đi vào hoạt động, dần dần đáp ứng được yêu cầu về cơ sở lưu trú chất lượng cao cho du khách…



Phối cảnh khách sạn Vinpearl Resort Phú Quốc

Gia Bảo


0 nhận xét:

Đăng nhận xét