“Đầy nhà ngô lúa, bò trâu /Để mùa tươi tốt nhớ cầu tổ tiên”, lời nhắc nhở ấy của tiền nhân dường như đã ăn sâu vào tâm thức đồng bào La Chí ở Nậm Khánh (huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai) tự bao đời.
Đồng bào La Chí bao giờ cũng tổ chức lễ mừng cấy xong và xin tổ tiên bảo vệ ruộng, nương vào tháng Bảy hằng năm. Theo quan niệm truyền thống của bản làng thì đây là lễ to nhất trong năm, bà con mời tổ tiên về từ ngày mùng 1, đến ngày 13 tháng 7 để làm lễ cầu xin các bậc tiền nhân chở che, khuông phù cho các gia đình trong họ mình luôn gặp may mắn, sức khỏe dồi dào, tránh được tai ương và đặc biệt là ban cho mùa màng được tươi tốt, bội thu, thóc ngô đầy nhà, trâu bò chật bãi. Địa điểm tổ chức lễ mừng cấy xong và xin tổ tiên bao giờ cũng diễn ra tại nhà của trưởng dòng họ bởi người La Chí cho rằng chỉ có ở mơi đó mới hội đủ các yếu tố thể hiện tấm lòng thành kính đối với thần linh, tổ tiên. Lễ cúng họ được tổ chức vào buổi sáng và kết thúc vào buổi trưa. Vào ngày lễ, mọi gia đình đều tập trung tại nhà gia chủ. Mang cùng với một chai rượu lễ, mỗi nhà còn đem theo 3 cành cây chè vè dài chừng nửa mét trên đó có buộc 3 loại chỉ đen - trắng - đỏ. Theo đồng bào thì cây chè vè dùng để xua đuổi tà ma đồng thời dùng để đón những điều may mắn, tốt đẹp. Giữa nhà chủ lễ có chôn một cây zàng cao chừng 2m, tất cả các cành chè vè buộc chỉ 3 màu của các gia đình trong dòng họ đều được treo lên trên thân cây zàng đó. Giờ lành đến, lễ vật sẵn sàng, thầy mo với trang phục truyền thống cầm cây hương kính cẩn đứng trước cây zàng hướng về phía bàn thờ, lẩm nhẩm khấn với đại ý cầu xin thần linh phù hộ cho dòng họ một năm được mưa thuận gió hòa, các gia đình trong dòng họ có một năm gặp được nhiều may mắn, tránh được nhứng tai ương… Cúng trong nhà xong, thầy mo nhổ cây zàng mang ra cửa chính đi vòng ra phía sau nhà theo hướng tay phải làm nghi thức xua đuổi tà ma cho cả dòng họ. Tất cả các thành viên trong họ tộc xếp theo thứ tự tuổi tác lần lượt đi sau thầy mo, riêng người được chọn để giúp việc thầy mo phải mang theo một con dao và một cây nỏ để thực hiện các hành động xua đuổi tà ma và những điều xấu. Cây zàng sau khi được rước một vòng quanh nhà sẽ lại được chôn vào chính giữa gian thờ để thầy mo tiếp tục cúng. Nghi lễ kết thúc là khi thầy mo dùng con dao chặt đôi bó chè vè và cho anh em con cháu mang đi vứt thật xa ngôi nhà của gia chủ. Sau khi bó chè vè chặt làm đôi được vứt bỏ, người giúp việc thầy mo sẽ dùng cây nỏ bắn lên trời 3 mũi tên để xua đuổi tà ma, không cho về làm hại các gia đình cho dù ở dưới đất hay trên không trung. Các nghi lễ hoàn thành, mọi thành viên trong gia tộc đều hào hứng, vui vẻ, cùng nhau quây quần ăn uống, trò chuyện. “Dù thời gian và năm tháng có qua đi nhưng chắc chắn phong tục cúng họ chứa đầy giá trị nhân văn của người Mông ta sẽ còn mãi. Nó chính là thông điệp gửi gắm khát vọng cố kết cộng đồng huyết thống để tương trợ lẫn nhau cùng xây dựng cuộc sống ấm no...” - già Sùng A Dùng, bản Tả Cháng, Suối Giàng cho biết. |
0 nhận xét:
Đăng nhận xét