Thứ Ba, 22 tháng 7, 2014

[Xã hội] -Cứu dân bằng mọi cách

Thanh Hóa nằm trong khu vực Bắc Trung bộ, hàng năm thường xuyên chịu từ 5 đến 7 cơn bão đổ bộ trực tiếp, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Những năm qua, BĐBP Thanh Hóa đã khai thác, sử dụng tối đa trang bị, phương tiện để đảm bảo phục vụ công tác phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn (PCLB-TKCN). Trước những diễn biến bất thường của thời tiết mùa mưa bão năm nay. Phóng viên Báo Biên phòng đã có cuộc trao đổi với Đại tá Lê Ngọc Long, Chỉ huy trưởng BĐBP Thanh Hóa về vấn đề này.


Đại tá Lê Ngọc Long.
PV: Đề nghị đồng chí cho biết kết quả trong công tác PCLB-TKCN của BĐBP Thanh Hóa những năm vừa qua?

Đại tá Lê Ngọc Long: BĐBP Thanh Hóa phụ trách địa bàn 58 xã, phường khu vực biên giới (KVBG) với đường biên giới trên bộ dài 192km và 102km bờ biển.

Hàng năm, Thanh Hóa thường phải hứng chịu từ 5 đến 7 cơn bão và áp thấp nhiệt đới. Khi có bão, lượng mưa đổ xuống rất lớn, rất dễ gây ngập lụt ở dải ven biển; lũ ống, lũ quét ở vùng núi. Để đảm bảo phục vụ công tác PCLB-TKCN ở KVBG ven biển, BĐBP Thanh Hóa đã khai thác sử dụng tối đa những trang bị, phương tiện hiện có; tổ chức xây dựng kế hoạch PCLB-TKCN, lập phương án và triển khai chặt chẽ các mặt công tác chuẩn bị.

Chúng tôi cũng phối hợp với các ban, ngành chức năng và các địa phương ven biển kiểm soát chặt chẽ người, phương tiện ra vào cửa sông, cửa lạch và trên biển; kiên quyết không cho các phương tiện hoạt động khi không đảm bảo các trang bị an toàn và ra khơi khi có bão; tổ chức lực lượng, phương tiện ứng phó, khắc phục hậu quả khi có lũ quét, lốc xoáy, mưa đá và tham gia TKCN.

Đồng thời, tổ chức hiệp đồng thông báo, trao đổi với BĐBP và chính quyền các tỉnh bạn xử lý, giải quyết nhiều vụ việc liên quan đến công tác cứu hộ, cứu nạn tàu thuyền và ngư dân bị lâm nạn trên biển. Phối hợp với các ngành chức năng và các huyện, thị xã ven biển lựa chọn và thành lập các đội tàu cứu hộ, cứu nạn ngay tại các xã, phường trọng điểm về nghề cá, nhằm huy động sức mạnh tại chỗ của cộng đồng kịp thời ứng cứu khi tình huống xấu xảy ra trên biển.

Năm 2013, BĐBP Thanh Hóa đã phối hợp điều động 1.382 lượt cán bộ, chiến sĩ, 167 lượt tàu, xuồng, cơ động tham gia PCLB, phòng chống cháy nổ, cháy rừng và TKCN. Riêng trên tuyến biên giới biển, đã trực tiếp tham gia cứu hộ cứu nạn 15 vụ/21 tàu cá và tàu vận tải bị nạn trên biển, đưa 121 nạn nhân vào bờ an toàn; trục vớt, cứu kéo được 7 phương tiện; hỗ trợ nhân đạo cho 12 gia đình nạn nhân bị thiên tai, tai nạn.

PV: Đề nghị đồng chí cho biết những khó khăn, bất cập trong thực hiện nhiệm vụ PCLB-TKCN của BĐBP Thanh Hóa?

Đại tá Lê Ngọc Long: Xác định công tác phòng chống thiên tai, bão lụt là trách nhiệm của toàn xã hội, là nhiệm vụ chính trị quan trọng của lực lượng vũ trang, thời gian qua BĐBP Thanh Hóa luôn chủ động phối hợp chặt chẽ với các lực lượng có liên quan nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp trong thực hiện nhiệm vụ PCLB-TKCN trên khu vực biên giới, biển đảo.

Tuy nhiên, là địa phương thường xuyên phải gánh chịu nhiều cơn bão, hậu quả thiên tai, tai nạn cũng nhiều do có số lượng lớn tàu cá (trên 7.200 phương tiện và 25.862 lao động, trong đó, 659 phương tiện có công suất từ 250CV trở lên), ngư trường nằm xa các trung tâm TKCN của Trung ương, khi có yêu cầu cứu hộ, cứu nạn trên biển, nhất là trong điều kiện sóng to gió lớn, BĐBP Thanh Hóa chưa có đủ phương tiện thực hiện nhiệm vụ.

Bên cạnh đó, việc đảm bảo kinh phí huấn luyện nghiệp vụ, kinh phí thường xuyên, dự phòng chi trả cho các đơn vị và cá nhân trực tiếp tham gia cứu hộ, cứu nạn cũng còn hạn hẹp; công tác cấp bổ sung phương tiện, xăng dầu, vật tư PCLB -TKCN của trên cho các địa phương, đơn vị nhiều năm nay cũng còn rất hạn chế.


BĐBP Thanh Hóa giúp dân khắc phục hậu quả do sạt lở đất sau mưa bão. Ảnh: Xuân Thủy

PV: Mùa mưa bão năm 2014 đã bắt đầu, BĐBP Thanh Hóa đã có những chuẩn bị gì, thưa đồng chí?

Đại tá Lê Ngọc Long: Quán triệt thực hiện phương châm "4 tại chỗ". BĐBP Thanh Hóa được coi là lực lượng chủ lực, nòng cốt để tham gia ứng cứu nhằm làm giảm đến mức thấp nhất những thiệt hại do bão lụt, thiên tai gây ra trên địa bàn toàn tỉnh. Đối với công tác này, BĐBP Thanh Hóa xác định: Khi xảy ra tai nạn, mệnh lệnh chiến đấu cao nhất là bằng mọi cách phải cứu được dân; mọi cán bộ, chiến sĩ phải coi nhân dân như người thân của mình, coi nhà dân như nhà của mình.

Bước vào mùa mưa bão năm nay, BĐBP Thanh Hóa tập trung triển khai lực lượng, nắm chắc địa bàn và diễn biến của thời tiết, xây dựng kế hoạch, bổ sung phương án hiệp đồng với các lực lượng sẵn sàng ứng phó với các tình huống có thể xảy ra với phương châm: Sẵn sàng tham gia ứng cứu nhanh, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, tai nạn gây ra. Chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền các cấp, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong công tác phòng chống giảm nhẹ thiên tai và TKCN...

PV: Xin cám ơn đồng chí!

Mai Anh - Xuân Thủy (Thực hiện)


0 nhận xét:

Đăng nhận xét