Thứ Năm, 21 tháng 8, 2014

[Giải trí ] -Cơ hội thúc đẩy văn hóa đọc

KTĐT - Trung tâm của Hội sách sẽ là không gian trưng bày sách theo 7 chuyên đề: "Thăng Long xưa - Hà Nội nay", "Hành trình của sách", "Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ đô Hà Nội", "Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng", "Hà Nội với biển đảo quê hương", "Khám phá thế giới", "Sách hay - Sách đẹp".

Trong buổi họp báo chiều 20/8 công bố chính thức các hoạt động của Hội sách "Hà Nội - Thành phố vì hòa bình" nhân kỷ niệm 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô và 15 năm Thủ đô Hà Nội được vinh danh là "Thành phố Vì hòa bình", ông Nguyễn Minh Khánh - Phó Giám đốc Sở TT&TT cho biết, ngày hội của sách này sẽ diễn ra tại Di sản Hoàng thành Thăng Long (19C Hoàng Diệu, Hà Nội) từ 26/9 - 2/10/2014.
7 không gian - 7 chuyên đề
Trung tâm của Hội sách sẽ là không gian trưng bày sách theo 7 chuyên đề: "Thăng Long xưa - Hà Nội nay", "Hành trình của sách", "Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ đô Hà Nội", "Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng", "Hà Nội với biển đảo quê hương", "Khám phá thế giới", "Sách hay - Sách đẹp".

Đọc sách, truyện là niềm đam mê của nhiều bạn trẻ. Ảnh Tú Oanh
Ở đó, không gian "Thăng Long xưa - Hà Nội nay" được xây nên bằng các loại sách, ấn phẩm về truyền thống văn hóa, lịch sử của mảnh đất ngàn năm văn hiến Hà Nội, quá trình xây dựng và phát triển Thủ đô.
Để có thêm cơ hội quảng bá, giới thiệu về Di sản Hoàng thành Thăng Long, nhiều người đề xuất Ban Tổ chức nên miễn phí vé tham quan Hoàng thành trong thời gian diễn ra Hội sách. Ban Tổ chức cho biết sẽ nghiên cứu, xin ý kiến lãnh đạo TP về vấn đề này.
Trọng tâm của chuyên đề này là tủ sách "Thăng Long ngàn năm văn hiến" mà Nhà xuất bản Hà Nội đã kỳ công xây dựng, hiện giờ đang ở giai đoạn thứ 2. "Hành trình của sách" trình diện trước công chúng các tư liệu, sách xuất bản từ những năm cuối thế kỷ XIX đến thập kỷ 70 của thế kỷ XX, với điểm nhấn chính là các loại sách được ấn hành trong 9 năm kháng chiến chống Pháp 1945 - 1954. Chuyên đề "Hà Nội với biển đảo quê hương" là không gian dành cho những cuốn sách, ảnh, bản đồ, tư liệu khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam và sách, ảnh, tài liệu về các hoạt động của Hà Nội với Trường Sa. Riêng chuyên đề "Khám phá thế giới" là không gian dành riêng cho thiếu nhi với truyện tranh, truyện dịch, sách giới thiệu và khám phá khoa học xã hội... Hội Xuất bản Việt Nam cũng sẽ giới thiệu những cuốn sách được trao Giải thưởng sách Việt Nam hàng năm tại không gian "Sách hay, sách đẹp"...
Các đơn vị tham gia hội sách đã cố gắng tìm tòi những ấn phẩm mới lạ, sáng tạo những cách trưng bày hấp dẫn, ví như Trung tâm Văn hóa Đông Tây sưu tầm được khá nhiều sách cổ để giới thiệu với công chúng Thủ đô. Và như đại diện Công ty Le Bros - đơn vị phối hợp tổ chức Hội sách cho hay: "Chúng tôi muốn tạo không khí lễ hội để người dân đến đọc sách thư giãn bằng cách tạo ra các không gian đọc bên cạnh các không gian trưng bày, cùng các hoạt động bên lề như: Café sách, vẽ chân dung, viết thư pháp, khắc dấu gỗ, trang trí bookmark...". Đặc biệt, vì Hội sách diễn ra trong Khu di sản Hoàng thành Thăng Long nên những con đường tham quan cho công chúng cũng được tạo ra một cách cẩn thận và khoa học để không làm ảnh hưởng đến Di sản.
Tạo điều kiện quảng bá văn hóa
Với mục tiêu thúc đẩy văn hóa đọc hướng tới xây dựng xã hội học tập, tạo nét đẹp trong đời sống xã hội, những người làm Hội sách đã kết nối sách với bạn đọc trong nhiều hoạt động bên lề các không gian trưng bày. Đấy là gần 200 gian hàng của các nhà xuất bản, công ty sách với đa dạng các ấn phẩm gồm cả sách in lẫn sách điện tử. Đấy là các cuộc tọa đàm, giao lưu giữa độc giả với các tác giả, nhà nghiên cứu: Tọa đàm về văn hóa Thăng Long - Hà Nội và giới thiệu những cuốn sách tiêu biểu viết về Hà Nội; Giao lưu với các nhà văn sinh năm 1954 tại Hà Nội hoặc có những tác phẩm viết về Hà Nội; tác giả và những cuốn sách đang được độc giả quan tâm và cả cuộc trao đổi về văn hóa đọc, kỹ năng, phương pháp đọc sách hiệu quả. Công ty Alphabook cũng phát động cuộc thi đọc những cuốn sách hay cho học sinh, dự kiến trao giải vào Ngày Sách Việt Nam (21/4) năm tới. Đặc biệt, Ban Tổ chức còn xây dựng tại đây một ngôi nhà mô phỏng lớp học vùng cao để làm địa điểm quyên góp sách tặng cho người dân vùng sâu, vùng xa của Hà Nội và các vùng dân tộc khó khăn. Những người thực hiện đang hy vọng hoạt động tại "lớp học vùng cao" này sẽ tạo ra nguồn sách để tặng cho người dân ở một huyện đảo Trường Sa.
Ngày hội sách đã diễn ra tại TP Hồ Chí Minh 7 lần, song ở Hà Nội, đây là lần đầu tiên. Tuy nhiên, cái hay của ngày hội sách ở Thủ đô là được kết nối trong khung cảnh di sản Hoàng thành Thăng Long, nên mục đích quảng bá văn hóa, lịch sử càng thêm phần ý nghĩa. Ông Khánh cho biết: "Hội sách lần đầu này sẽ là cơ sở để Hà Nội tổ chức những hội sách lần sau. Chúng tôi đang dự kiến sẽ tổ chức một số đường sách vào các sáng thứ Bảy và Chủ nhật hàng tuần".

0 nhận xét:

Đăng nhận xét