Thứ Hai, 18 tháng 8, 2014

[Nhà đất] -Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng kiểm tra thực tế thực hiện qui hoạch thủy điện tại Tây Nguyên

Từ ngày 12 - 15/8, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng và đoàn công tác của Bộ Công Thương đã có chuyến thăm và làm việc tại 4 tỉnh Tây Nguyên: Kon Tum, Đăk Lăk, Đăk Nông, Lâm Đồng.


Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng và Thứ trưởng Cao Quốc Hưng thăm tổ hợp bô xit nhôm Tân Rai - Lâm Đồng

CôngThương - Chuyến công tác nhằm kiểm tra, đôn đốc các tỉnh ở Tây Nguyên thực hiện tốt Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 18/2/2014 của Chính phủ với những nội dung cơ bản: rà soát, đánh giá quy hoạch, đầu tư xây dựng các dự án thủy điện; việc tuân thủ các qui định về công tác quản lý đầu tư, quản lý chất lượng công trình, cam kết bảo vệ môi trường; quản lý vận hành đối với các công trình thủy điện đã hoàn thành; thực hiện phương án trồng rừng thay thế, chi trả dịch vụ môi trường rừng; công tác bồi thường, hỗ trợ di dân, tái định cư; việc lập và thực hiện qui trình vận hành hồ chứa, tác động của việc điều tiết hồ chứa trong mùa lũ và mùa kiệt đối với vùng hạ du…

Về việc rà soát, đánh giá qui hoạch, đầu tư các công trình thủy điện, các tỉnh Tây Nguyên đã báo cáo cụ thể với Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng:

Tại Kon Tum, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những vị trí khi đầu tư xây dựng có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, xã hội, UBND tỉnh Kon Tum đã quyết định loại bỏ 36 vị trí ra khỏi quy hoạch và 6 vị trí không đưa vào danh mục kêu gọi đầu tư, đồng thời rà soát bước đầu đối với 45 vị trí, công trình thủy điện còn lại, tỉnh tiếp tục thu hồi chủ trương đầu tư 1 công trình, gia hạn có thời hạn với 10 công trình.


Bộ trưởng thăm Nhà máy thủy điện Ialy - Gia Lai

Tại Đăk Lăk, đến tháng 7/2014 trên địa bàn tỉnh có tổng cộng 26 công trình thủy điện đã được cấp có thẩm quyền đồng ý chủ trương đầu tư, tổng công suất 948 MW, trong đó 18 dự án tổng công suất 857 MW đã đi vào hoạt động, 1 dự án công suất 29 MW đang xây dựng, 1 dự án công suất 4 MW đã khởi công nhưng tạm dừng vì thiếu vốn, 2 dự án có tổng công suất 8,2 MW đã được thẩm định thiết kế cơ sở và 4 dự án với tổng công suất 49,70 MW đang lập hồ sơ thiết kế cơ sở. Đăk Lăk cũng đã loại bỏ khỏi qui hoạch 13/22 công trình thủy điện vừa và nhỏ, 69/79 điểm tiềm năng thủy điện và tiếp tục rà soát 2 dự án là Ea Ral công suất 6,5 MW, Buôn Bra công suất 7,5 MW.

Tại Đăk Nông, theo quy hoạch phát triển thủy điện nhỏ của tỉnh có tổng số 70 vị trí được phê duyệt xây dựng công trình thủy điện với tổng công suất 239 MW, trong đó giai đoạn 1 có 32 vị trí với tổng công suất 189 MW đã được tính toán chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật kêu gọi đầu tư; giai đoạn tiềm năng có 38 vị trí với tổng công suất 50 MW được liệt kê. Quá trình rà soát lại, UBND tỉnh Đăk Nông đã xem xét loại 8 dự án ra khỏi qui hoạch. Đến cuối năm 2013, qui hoạch thủy điện nhỏ tại Đăk Nông giai đoạn 1 có 24 vị trí với tổng công suất 165 MW. Tháng 6/20114, UBND tỉnh Đăk Nông đã có ý kiến tiếp tục loại dự án thủy điện Đăk Ni công suất 6,5 MW ra khỏi qui hoạch.


Bộ trưởng thăm Nhà máy thủy điện Pleikrong - Kon Tum

Tại Lâm Đồng, theo qui hoạch phê duyệt trước đây, có 83 vị trí được xây dựng các công trình thủy điện vừa và nhỏ với tổng công suất 619 MW, nhưng qua rà soát đã loại bỏ 46 dự án với tổng công suất 116 MW. Đến nay Lâm Đồng còn 37 dự án thủy điện với tổng công suất 503 MW gồm 10 thủy điện đang vận hành phát điện tổng công suất184 MW, 10 dự án đang triển khai thi công tổng công suất190 MW dự kiến phát điện ngay trong năm 2014, 5 dự án (50MW) đang thực hiện giải phóng mặt bằng, bồi thường, 3 dự án (33,5MW) đang lập phương án đầu tư, 1 dự án (3,8MW) đang rà soát, xem xét, 4 dự án tổng công suất 19,7 MW bị thu hồi, 4 dự án (21,6 MW) tạm dừng, chưa xem xét đầu tư trước năm 2015.

Về việc tuân thủ các qui định về công tác quản lý đầu tư, quản lý chất lượng công trình, cam kết bảo vệ môi trường, hầu hết các tỉnh Tây Nguyên đều xảy ra tình trạng chất lượng một số công trình thủy điện, đặc biệt là thủy điện nhỏ không đảm bảo an toàn tuyệt đối, có khi còn xảy ra những sự cố đáng tiếc gây thiệt hại cho cả nhà đầu tư, tài sản của nhân dân...Nguyên nhân là các công trình thủy điện vừa và nhỏ, phần lớn do tư nhân là chủ đầu tư, tuy các chủ đầu tư đều lựa chọn các đơn vị tư vấn, nhà thầu thi công có đủ điều kiện, năng lực theo các qui định của nhà nước nhưng chất lượng thiết kế, thi công ở một số công trình chưa thực sự đáp ứng yêu cầu vì thiếu kinh nghiệm trong hoạt động trong lĩnh vực này…Trong công tác bảo vệ môi trường, ý thức chấp hành báo cáo, đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường ở một số công trình thủy điện loại nhỏ vẫn chưa nghiêm túc.


Bộ trưởng thăm Làng Hà Mòn - Kon Tum

Việc quản lý vận hành đối với các công trình thủy điện đã hoàn thành, đây có thể được xem là một trong những yêu cầu cực kỳ quan trọng đối với bất cứ chủ đầu tư nào vì nó liên quan rất lớn đến tài sản doanh nghiệp, tài sản của nhân dân dưới vùng hạ du. Vì thế khi các cơ quan chức năng của các địa phương thực hiện kiểm tra thì hầu như toàn bộ các chủ đầu tư đều chủ động thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho các công trình thủy điện. Chẳng hạn, tại Kon Tum có 9/9 công trình thủy điện loại vừa và nhỏ đang vận hành đều đã đăng ký an toàn hồ đập, xây dưng phương án vận hành hồ đập an toàn, phương án phòng chống bão lũ mùa mưa. Tại Đăk Nông, qua kiểm tra đã có 16/16, tại Lâm Đồng, có 10/10 công trình đã, đang xây dưng qui trình vận hành hồ chứa theo qui định… Theo đánh giá của các tỉnh Tây Nguyên, phần lớn các công trình thủy điện vừa và nhỏ, đều có dung lượng hồ chứa nhỏ nên không có chức năng điều tiết lũ, cắt lũ cho vùng hạ du…

Về thực hiện phương án trồng rừng thay thế, chi trả dịch vụ môi trường rừng, các địa phương trên địa bàn Tây Nguyên đều ý thức được vai trò quan trọng của vấn đề này và có biện pháp thực hiện nghiêm túc, chỉ đạo, kiểm tra chủ dự án, các đơn vị chuyên môn triển khai các điều kiện thực hiện. Tại Kon Tum, đã có 11/14 chủ dự án thủy điện xây dựng phương án trồng rừng thay thế và UBND tỉnh đã giao kế hoạch trồng mới 563 ha rừng ngay trong năm 2014. Tại Đăk Nông, tổng diện tích rừng trồng thay thế khá lớn, lên đến 3.327 ha và theo kế hoạch, năm 2014 sẽ thực hiện trồng 2.016 ha, năm 2015 trồng 1.319 ha… Riêng tại Đăk Lăk, ông Trần Việt Hùng, Phó Ban chỉ đạo Tây Nguyên đánh giá, việc trồng bù rừng tại địa phương còn quá ít và cũng xảy ra tình trạng xung đột quyền lợi giữa thủy điện và du lịch, tuy nhiên biện pháp khắc phục là không khó…


Bộ trưởng kiểm tra thủy điện Hòa Phú

Đánh giá chung về việc thực hiện triển khai nghị quyết 11 của Chính phủ tại Tây Nguyên, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhìn nhận: Các địa phương đã thực hiện khẩn trương và nghiêm túc nghị quyết. Tuy nghị quyết của Chính phủ ra đời mới vừa tròn nửa năm nhưng qua kiểm tra, tất cả các địa phương tại Tây Nguyên đã triển khai đồng bộ các nội dung cơ bản, có kiểm tra, giám sát việc thực hiện. Điều này đã cơ bản kịp thời chấn chỉnh những thiếu sót, tồn tại trong công tác qui hoạch thủy điện, vận hành các công trình đã hoàn chỉnh, nhất là việc bảo đảm an toàn nhà máy, hồ chứa, đập trong mùa mưa lũ. Các địa phương đã chủ động các phương án vận hành an toàn, đảm bảo an toàn về tài sản, tính mạng của nhân dân.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng, vẫn còn một số ít chủ đầu tư công trình thủy điện nhỏ vi phạm về các nghĩa vụ thuế, chi trả tiền trồng rừng thay thế, các qui định về biện pháp an toàn trong quá trình xây dựng, vận hành, không cắm mốc chỉ giới khu vực lòng hồ… những trường hợp này đều phải được xử lý nghiêm. Chính phủ cũng yêu cầu có những việc phải hoàn thành gấp, chẳng hạn như việc rà soát qui hoạch phải xong trong năm 2014, việc trồng rừng tái tạo trong năm 2015, vì thế đề nghị các tỉnh chỉ đạo quyết liệt các cơ quan liên quan thực hiện những giải pháp hiệu quả.

Bộ trưởng cho rằng, Nghị quyết 11 của Chính phủ có những vấn đề mới, ví dụ giao cho UBND các tỉnh điều hành qui trình vận hành hồ chứa. Điều này đã xuất hiện những khó khăn nhất định, ví dụ như có công trình thủy điện nằm trên địa bàn 3 tỉnh Đăk Lăk, Đăk Nông, Lâm Đồng, mỗi địa phương có một qui trình, phương án riêng vận hành hồ chứa, nhà máy thủy điện nên chưa thống nhất quy trình vận hành Do đó, Bộ trưởng đề nghị, các địa phương cần phối hợp với nhau trong vấn đề này. Trong thực hiện, các địa phương có thể gặp khó khăn về tài chính và nguồn nhân lực trong công tác kiểm tra đôn đốc các chủ đầu tư thực hiện các biện pháp an toàn trong việc xây dựng công trình, vận hành an toàn hồ đập… trong khi nhân lực hiện nay ở các sở công thương rất hạn chế, hơn nữa là việc làm rất mới mẻ, nên sẽ thiếu kinh nghiệm… Bộ trưởng khẳng định, bất kể những khó khăn nào của địa phương gặp phải, Bộ Công Thương sẵn sàng chia sẻ, hợp tác giúp đỡ với tư cách là cơ quan đầu mối.

Trong đợt công tác này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cũng đã kiểm tra thực tế nhiều công trình thủy điện tại các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông, Lâm Đồng và tiến độ dự án công trình bôxít-nhôm huyện Tân Rai, tỉnh Lâm Đồng.

Hoàng Anh Phượng


Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng và Thứ trưởng Cao Quốc Hưng thăm tổ hợp bô xit nhôm Tân Rai - Lâm Đồng

PHẢN HỒI

0 nhận xét:

Đăng nhận xét