Thứ Bảy, 2 tháng 8, 2014

[Nhà đất] -Trật tự đô thị còn “bí rị” (kỳ cuối)

(CATP) Kỳ cuối: Bắt cóc bỏ dĩa



Xây dựng nếp sống văn minh đô thị, thành phố xanh - sạch - đẹp... là khẩu hiệu suốt nhiều năm nay của TP.Hồ Chí Minh. Nhiều quyết định đã được ban hành, nhiều biện pháp đã được triển khai... nhưng dường như chưa đủ bởi sau nhiều năm, bộ mặt trung tâm thành phố dù có hiện đại hơn, khang trang hơn, vẫn tồn tại nhiều bất cập.

>> Trật tự đô thị còn “bí rị” (kỳ 1)

DÂY ĐIỆN NHƯ MẠNG NHỆN

Trên các tuyến đường trung tâm thành phố, nhìn đâu cũng có thể thấy dây điện chằng chịt như mạng nhện trên đầu, gây mất an toàn và mỹ quan đô thị. Đây là vấn đề nhức nhối của thành phố và việc ngầm hóa mạng thông tin trở thành một yêu cầu bức thiết. Từ các năm 2003 - 2005, Tổng công ty điện lực TPHCM (EVNHCMC) đã thực hiện thí điểm ngầm hóa lưới điện trên các tuyến đường Lê Lợi, Lê Duẩn, Nguyễn Huệ, Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Nguyễn Văn Trỗi. Tuy nhiên, việc ngầm hóa này chưa triệt để, do chỉ mới ngầm hóa lưới điện, chưa kết hợp được việc ngầm hóa dây thông tin và chiếu sáng, nên tình trạng “mạng nhện” dây thông tin gần như không được cải thiện.



Năm 2011, “Đề án ngầm hóa lưới điện TPHCM đến năm 2020 của điện lực thành phố” được UBND TPHCM thông qua. Đề án được chia làm hai giai đoạn. Từ nay đến năm 2015 tập trung ngầm hóa dây trung, hạ thế và dây thông tin trên các tuyến hẻm khu vực trung tâm quận 1, 3; từ 2015 đến 2020 hoàn tất ở các quận huyện còn lại trên địa bàn. Dự kiến, gần 5.000 km “mạng nhện” sẽ được đưa xuống lòng đất với tổng kinh phí cho đề án lên tới hơn 14.000 tỷ đồng. Tính ra, trung bình mỗi năm cần đến 1.000 tỷ đồng cho việc ngầm hóa cáp (cáp điện lực và cáp viễn thông). Chỉ còn gần một năm nữa là hết giai đoạn một nhưng tỷ lệ ngầm hóa lưới chưa đạt so với chỉ tiêu đã đề ra (20% đến 2015). Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do không có sự phối hợp chặt chẽ giữa tổng công ty điện lực và các đơn vị viễn thông nên nhiều nơi lưới điện đã được ngầm hóa nhưng vẫn còn dây thông tin treo trụ điện khiến hiệu quả công tác ngầm hóa và mỹ quan đô thị không cao.

Khảo sát trên các tuyến đường Nguyễn Du, Lê Thánh Tôn, Nguyễn Thị Minh Khai, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Lê Lai, Lý Tự Trọng, chúng tôi vẫn thấy các loại dây được bó lại từng bó như dây trong rừng nguyên sinh treo lủng lẳng trên đầu. Ở ngã tư Nguyễn Du cắt Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Nguyễn Du cắt Huyền Trân Công Chúa... dây điện, cáp viễn thông quấn vào nhau chằng chịt như tơ nhện. Điều này cho thấy, thực tiễn việc tổ chức ngầm hóa lưới điện do không được thực hiện riêng lẻ mà phải triển khai đồng bộ với hệ thống dây thông tin, chiếu sáng, thậm chí hệ cả thống cấp thoát nước,... với sự giám sát, điều phối của các sở ngành chức năng của thành phố.

Trong buổi sơ kết ngầm hóa lưới điện kết hợp ngầm hóa dây thông tin TPHCM tổ chức hồi tháng 6 năm nay, Tổng công ty điện lực TPHCM cho biết đã ký kết quy chế phối hợp với các đơn vị viễn thông, từ đó xây dựng quy chế phối hợp triển khai các dự án ngầm hóa mạng cáp viễn thông kết hợp với ngầm hóa lưới điện trên địa bàn TPHCM. Có sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị liên quan, hy vọng việc ngầm hóa lưới điện và dây thông tin sẽ không ở trạng thái rùa bò như hiện nay.



Lưới điện chằng chịt



KHOAN CẮT BÊ-TÔNG VẪN HOÀNH HÀNH

Công ty vận tải hành khách đường sắt Sài Gòn nằm quay mặt ra đường Hàm Nghi, sau lưng công ty này là đường Huỳnh Thúc Kháng, ngay vòng xoay tượng Trần Nguyên Hãn, vậy mà bức tường của công ty này chi chít số điện thoại khoan cắt bê-tông. Bức tường ngay cổng ra vào Phòng công chứng số 1 trên đường Pasteur cũng chịu chung số phận với hai dòng số điện thoại khoan cắt bê-tông cái xanh, cái đỏ. Hai cơ quan quyền lực Nhà nước gần đó là Viện kiểm sát và Tòa án nhân dân cũng không khá hơn khi rải rác trên tường là những số điện thoại như trêu ngươi người qua lại. Cùng với quảng cáo khoan cắt bê-tông là hàng loạt rao vặt về sửa nhà - chống dột thấm, hút hầm cầu - thông cống nghẹt, quảng cáo những ca sĩ không tên tuổi... Những mẩu tin này không in trực tiếp lên tường mà được in trên giấy dán trên cột điện, cái mới đè lên cái cũ, giấy bị lột, bóc nham nhở.



Công ty vận tải hành khách đường sắt Sài Gòn


Đã có thời gian, TPHCM xử lý rất mạnh tay những hành vi trên như cắt thuê bao điện thoại quảng cáo, ra quân bôi xóa các rao vặt vi phạm quy định về quảng cáo, phạt nóng hành vi xả rác và phóng uế nơi công cộng... Tuy nhiên, tất cả những biện pháp trên đều không phát huy tác dụng do chưa có số điện thoại nào bị cắt vĩnh viễn do việc giám sát các số điện thoại rất phức tạp, các quảng cáo vừa bôi xóa, lại tái xuất trong thời gian ngắn. Còn việc phạt nóng thì người vi phạm không có tiền đóng phạt và lực lượng để thực hiện việc phạt nóng cũng không đủ người. Cơ quan ban ngành bức xúc, người dân bức xúc vì mỹ quan đô thị không được cải thiện nhưng kiểu giải quyết nửa chừng, không đến nơi đến chốn khiến việc mang lại bộ mặt khang trang, đẹp đẽ, văn minh cho thành phố gần như là điều không thể.

Ở khu vực trung tâm thành phố hiện nay có rất nhiều dự án đang được triển khai. Bên cạnh những dự án làm tốt công tác giữ gìn vệ sinh thì có những dự án rất bầy hầy. Chủ đầu tư gần như không hề quan tâm đến cái gọi là mỹ quan đường phố. Đơn cử như khu đất vàng trên trục đường Lê Thánh Tôn, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Lê Lợi, Nguyễn Trung Trực ngay giữa trung tâm TPHCM trước đây là tòa nhà Trung tâm thương mại quốc tế ITC, nơi xảy ra vụ cháy khủng khiếp khiến 60 người thiệt mạng năm 2002. Sau vụ cháy thảm khốc, tòa nhà ITC bị đập bỏ để thay thế bằng dự án SJC Tower do Công ty cổ phần Sài Gòn Kim Cương làm chủ đầu tư với số vốn lên tới 137 triệu USD. Được UBND TPHCM cấp phép đầu tư từ năm 2007 nhưng hiện khu đất này là bãi giữ xe. Cao ốc chẳng thấy đâu, chỉ thấy những tấm pano giới thiệu SJC Tower rách rưới, nhếch nhác bên ngoài dự án, góp phần bôi bẩn bộ mặt đô thị.



và bức tường Phòng công chứng số 1 đầy quảng cáo khoan cắt bê-tông


TP.Hồ Chí Minh là một trong những trung tâm kinh tế, chính trị và văn hóa lớn, thu hút lượng lớn khách du lịch trong nước và quốc tế. Theo Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch TPHCM, năm 2013, ngành du lịch đón tiếp khoảng bốn triệu lượt khách quốc tế, đóng góp 11% GDP cho thành phố. Dự kiến ngành du lịch thành phố sẽ đón tiếp 4,4 triệu du khách quốc tế trong năm 2014 theo hướng thúc đẩy tăng trưởng du lịch bền vững và xây dựng môi trường du lịch an toàn, văn minh. Với lượng khách quốc tế đến thành phố tham quan ngày càng tăng, TPHCM cần phải giải quyết căn cơ tình trạng mất mỹ quan đô thị để thành phố mang tên Bác ngày càng đẹp lên trong mắt bạn bè quốc tế.


0 nhận xét:

Đăng nhận xét