Thứ Hai, 1 tháng 9, 2014

[Kinh tế] -Kinh tế 7 ngày: Chính phủ định vay “đảo nợ” và bơm “doping” cho doanh nghiệp

BizLIVE - Trong bối cảnh áp lực tái cơ cấu nền kinh tế ngày một cấp thiết, doanh nghiệp dù đã phát tín hiệu phục hồi nhưng vẫn dễ đổ bệnh trở lại, bóng ma nợ xấu có dấu hiệu gia tăng... chuyện Chính phủ tìm cách đảo nợ và bơm doping cho doanh nghiệp đã trở thành chuyện đáng chú ý.


Ảnh minh họa.

Việt Nam lọt vào top 5 thị trường tăng trưởng mạnh

Theo Yardeni Research, xét trên phạm vi toàn cầu, đến ngày 28/08/2014 thị trường chứng khoán Việt Nam lọt vào nhóm 5 thị trường tăng trưởng mạnh nhất thế giới tính theo tháng và năm.

Bản tin tài chính kinh tế ngày 29/8 của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (NFSC) cho biết, trong 8 tháng đầu năm, chỉ số VN-INDEX của Việt Nam đã tăng 24,6%. Top 7 thị trường tăng trưởng mạnh nhất thế giới theo tháng và năm đều thuộc nhóm các nước thị trường mới nổi.

Chính phủ dự kiến vay 1 tỷ USD để "đảo nợ"

Đó chính là thông tin quan trọng được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên thông tin tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 8/2014.

Bộ trưởng Nên cho biết: “ Đây sẽ là một khoản vay dưới dạng vay đảo nợ”. Việt Nam hiện có khoảng 1 tỷ USD dư nợ trái phiếu quốc tế cần được chuyển đổi. Tuy nhiên phương thức và lãi suất của đợt phát hành trái phiếu này vẫn chưa được tiết lộ...

"Đây là số tiền Chính phủ vay trong thời gian lãi suất cao. Nay có cơ hội vay khoản khác với lãi suất thấp nên Chính phủ cân nhắc vay. Con số nợ thì không thay đổi", Bộ trưởng nói.

Nếu đợt phát hành này diễn ra, đây sẽ là lần thứ ba Chính phủ Việt Nam huy động vốn từ thị trường tài chính quốc tế. Trong quá khứ Việt Nam đã có hai đợt huy động vốn quốc tế năm 2005 (750 triệu USD) và 2010 (1 tỷ USD).

Kế hoạch trả nợ của Chính phủ được xác định là 208.883 tỷ đồng, bao gồm 159.683 tỷ đồng trả nợ trong nước; trả nợ nước ngoài là 49.200 tỷ đồng.

Thống nhất nhiều giải pháp hỗ trợ nền kinh tế

Thủ tướng vừa ban hành Nghị quyết về một số giải pháp về thuế tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, bao gồm cắt giảm thủ tục hành chính, số giờ nộp thuế, góp phần tăng năng lực cạnh tranh của Việt Nam.

Về các giải pháp thuộc thẩm quyền, Chính phủ sẽ gia hạn thời hạn nộp thuế không quá 60 ngày đối với số tiền thuế giá trị gia tăng (VAT) của máy móc, thiết bị nhập khẩu để tạo tài sản cố định của dự án đầu tư mà tổng giá trị nhập khẩu từ 100 tỷ đồng trở lên. Bộ Tài chính chỉ đạo thực hiện hoàn thuế trước kiểm tra sau chậm nhất là 5 ngày làm việc.

Đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản, cá nhân được lựa chọn phương pháp tính, nộp thuế 25% trên thu nhập từng lần chuyển nhượng hoặc 2% trên giá bán từng lần chuyển nhượng.

Với hoạt động chuyển nhượng chứng khoán, cá nhân được lựa chọn một trong hai phương pháp tính. Một là sẽ nộp thuế 20% trên thu nhập năm và cuối năm quyết hoặc tính, nộp thuế 0,1% trên giá bán từng lần chuyển nhượng và cuối năm không quyết toán thuế. (Đọc tiếp tại đây)

89% biểu thuế nhập khẩu các nước ASEAN đã về mức 0%

Thông tin trên tờ VOV News cho biết, tại Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á lần thứ 46 vừa diễn ra từ ngày 24 - 28/8/2014 , nhiều kết quả về tự do hóa thuế quan mà các nước ASEAN đạt được rất đáng khích lệ.

Theo đó, thông tin đáng chú ý nhất được các Bộ trưởng ghi nhận chính là việc xóa bỏ thuế nhập khẩu với mức bình quân 89% biểu thuế về mức 0% .

Trong đó, Việt Nam là một trong hai nước có mức độ thực hiện cao nhất, đạt 90% các biện pháp ưu tiên đề ra của ASEAN năm 2013.

Khách quốc tế đến Việt Nam tiếp tục gia tăng bất chấp các biến cố trên biển Đông

Thống kê của Tổng cục Du lịch cho thấy, tính chung 8 tháng đầu năm 2014, tổng số khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 5,4 triệu lượt, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong tháng 8, lượng khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt gần 700.000 lượt, tăng 9,5% so với tháng trước và giảm 8,6% so với cùng kỳ năm 2013.

Đáng chú ý, trong khi lượng khách đến từ các thị trường như châu Mỹ, châu Úc... đều có xu hướng giảm thì lượng khách Trung Quốc lại đang có xu hướng tăng trở lại sau khi giảm mạnh do diễn biễn vụ giàn khoan Hải Dương 981 hạ đặt trái phép trên biển Đông hồi quý II vừa qua.

Cụ thể, chỉ tính riêng trong tháng 8/2014, khách Trung Quốc đến Việt Nam du lịch ước đạt hơn 135 nghìn lượt; tăng 9,5% so với tháng 7. (Đọc tiếp tại đây)

Bóng ma nợ xấu đang gia tăng

Thông tin tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8/2014, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, đến cuối tháng 6/2014, nợ xấu ở mức 4,17%, cao hơn mức 4,07% vào cuối tháng 5/2014 và mức 3,61% cuối năm 2013.

Đặc biệt, nợ xấu tăng không chỉ ở các ngân hàng vốn có lịch sử nợ xấu cao sau các thương vụ tái cơ cấu mà cả các ngân hàng lớn cũng chứng kiến một sự gia tăng nợ xấu trong tổng dư nợ cho vay.

Hàng loạt các tên tuổi lớn ngành ngân hàng Việt Nam bị điểm tên nợ xấu gia tăng như: VietinBank ở mức 2,53%, tăng 3 lần so với mức 0,82% vào cuối năm 2013; SHB tỷ lệ nợ quá hạn lên tới 8,16%; Vietcombank chỉ trong nửa đầu năm 2014 nợ xấu đã tăng lên 6 lần, đạt mức 9.000 tỷ VND vào ngày 30/6/2014 .

Cũng theo nguồn tin này, trong nửa đầu năm 2014, các tổ chức tín dụng đã xử lý được khoảng 33.000 tỷ đồng nợ xấu. Trong đó có thu nợ từ khách hàng, bán phát mại tài sản đảm bảo của các khoản nợ và xử lý bằng nguồn dự phòng rủi ro...

Nóng chuyện "đường bay vàng"

Câu chuyện thiết lập "đường bay vàng" sau hơn 5 năm trì trệ đã được khởi động trở lại với đề nghị mới đây của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng.

Theo đó, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã đề nghị Vietnam Airlines bay kiểm tra đường bay thẳng Hà Nội - TP.HCM qua không phận Lào, Campuchia, hay còn được gọi là "đường bay vàng".

Ngay lập tức, "đường bay vàng" đã trở thành một trong những đề tài hot nhất cả trên mặt báo và ngoài đời thường với không ít quan điểm trái chiều nhau được đưa ra.

Chưa biết rõ, quyết tâm này của Bộ trưởng Thăng và không ít chuyên gia tâm huyết với đường bay vàng liệu có mang lại quả ngọt như kết quả nghiên cứu hay không. Nhưng chắc chắn, một cuộc "khẩu chiến" thực sự trên truyền thông chắc chắn sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới. (Đọc tiếp tại đây)

1,5 tỷ USD để "nâng cấp" đội tàu vận tải biển

Quy hoạch phát triển vận tải biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo Quy hoạch, tổng khối lượng vận tải của đội tàu biển Việt Nam đến năm 2020 đạt khoảng từ 140 đến 152 triệu tấn, trong đó vận tải biển quốc tế đạt khoảng từ 40 đến 46 triệu tấn, vận tải biển trong nước đạt khoảng từ 100 đến 106 triệu tấn.

Tổng kinh phí đầu tư cho phát triển đội tàu từ nay đến năm 2020 khoảng từ 20.000 đến 30.000 tỷ đồng (khoảng từ 1,0 đến 1,5 tỷ USD), chủ yếu do các doanh nghiệp tự huy động từ các nguồn vốn hợp pháp.


0 nhận xét:

Đăng nhận xét