Thứ Sáu, 8 tháng 8, 2014

[Kinh tế] -Sau áp trần, sữa rơi vào ma trận “đổi tên thay nhãn”

Việc áp trần giá sữa những tưởng đã giải quyết được nạn tăng giá phi mã của thị trường sữa, nhưng đến hiện tại, chính các cơ quan quản lý cũng kêu khó khi sữa và các sản phẩm tương tự sữa liên tục thay đổi mẫu mã, tên gọi, hàm lượng vi chất… nhằm “lách” ra ngoài danh mục áp trần càng lâu càng tốt.


Có “áp” nhưng cũng chẳng sát “trần” Những tưởng áp trần rồi, giá sữa sẽ xuống nhưng qua khảo sát tại các cửa hàng trên phố Lạc Long Quân, phóng viên nhận thấy chỉ có các loại sữa của Việt Nam là giảm giá chút ít, còn với các loại sữa nhập ngoại, giá chẳng thay đổi gì. Có chăng vẫn chỉ là sự chênh lệch từ 10.000 đồng đến vài chục ngàn đồng giữa các cửa hàng sữa với nhau. Thậm chí, vào thời điểm đầu tháng 8 vừa qua, một vài loại sữa nhập ngoại còn khan hàng khi các cửa hàng sữa đồng loạt hết, đơn cử như loại sữa Physiolac 3 hộp 900g, dù giá dao động từ 410.000 – 425.000 đ, nhưng vẫn không có hàng để bán. Trong khi đó, người tiêu dùng không khỏi ngạc nhiên khi dạo qua 2, 3 cửa hàng sữa tại khu vực này đều được tư vấn dùng sữa thay thế là các sản phẩm của Việt Nam như Meta Care hay Dielac Alpha hay Dielac Pedia… Thế nhưng trước đó, các nhãn sữa bột của Việt Nam dù có mặt trong cửa hàng nhưng ít được người bán giới thiệu với khách hàng. Thậm chí, dù giá áp trần niêm yết với sữa Meta Care hộp 900g, loại dành cho trẻ từ 4-9 tuổi là 255.000 đồng, nhưng mỗi cửa hàng khác nhau cũng chênh lệch một vài nghìn, nơi thì 256.000 đồng/hộp, chỗ khác lại 258.000 đồng/hộp, tùy chủ cửa hàng “hô” giá. “Nhập nhèm” tên gọi và chức năng Trong khi người tiêu dùng chưa mấy vui vì giá sữa chẳng nhúc nhích nhiều thì với một số bà mẹ, họ còn loạn lên, chẳng phân biệt nổi thế nào là sữa thay thế hoàn toàn sữa mẹ hay chỉ là bổ sung dinh dưỡng. Chia sẻ trên báo Người lao động, chị Mai Hương ngụ tại quân Ba Đình, Hà Nội, cho biết: Được biết có 2 dòng sữa dành cho trẻ sơ sinh, một loại có thể thay thế hoàn toàn sữa mẹ, loại kia chỉ bổ sung chất dinh dưỡng. Thế nhưng hầu như các sản phẩm sữa được bày bán không phân biệt rõ 2 loại này để người mua chọn lựa. Còn nếu người mua dựa vào các đoạn phim quảng cáo trên truyền hình thì cũng khó phân biệt bởi các sản phẩm cũng chỉ nói chung chung là dành cho độ tuổi nào chứ không nêu rõ là sản phẩm bổ sung hay thay thế. Theo ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, phản ánh thì: Đã có yêu cầu sản phẩm hàng hóa phải công bố đúng nhãn, nhưng doanh nghiệp có hàng trăm ngàn cách để lách luật đã diễn ra trong thực tế. Không chỉ nhập nhèm trong tên gọi sản phẩm, mà nhiều hãng sữa sẵn sàng thay tên đổi họ, thêm một vài vi chất để có thể đăng ký lại sản phẩm của mình. Điều này cũng khiến hệ thống các siêu thị khi tiến hành hợp đồng mua hàng cũng không thể kiểm soát hết được, mà cần phải có sự quản lý chặt chẽ từ các bộ, ngành có trách nhiệm. “Đúng luật mà làm” nhưng vẫn hổng Trước thực trạng này, theo phản ánh của báo NLĐ, ông Lê Văn Giang, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế, khẳng định: Với sản phẩm sữa, cũng như sản phẩm dinh dưỡng công thức, thực phẩm bổ sung, nếu doanh nghiệp có bất cứ sự thay đổi nhỏ nào về hàm lượng, thành phẩm đều phải công bố lại sản phẩm. Trong trường hợp sản phẩm thay đổi mẫu mã, quy cách nhãn sản phẩm, thì theo quy định doanh nghiệp chỉ cần báo cáo bằng văn bản và xác nhận lại nhãn sản phẩm. Việc công bố sản phẩm sữa thuộc diện bình ổn giá hay mặt hàng không thuộc danh mục bình ổn giá đều dựa vào các quy định kỹ thuật quốc gia, đối với các sản phẩm sữa dạng bột và dạng lỏng. Một trong những chỉ tiêu quan trọng để quy định sản phẩm sữa dạng bột là hàm lượng protein trong sữa không nhỏ hơn 34%. Để tránh tình trạng lách luật, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Y tế cho hay: “Hiện Bộ Y tế đang hoàn chỉnh dự thảo nghị định quy định về kinh doanh và sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ nhỏ trình Chính phủ phê duyệt trong thời gian tới. Khi nghị định có hiệu lực, các sản phẩm nói trên sẽ bị cấm quảng cáo. Quy định này sẽ siết chặt hơn việc quản lý các sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ nhỏ, hạn chế sự tác động của các công ty sữa đến các bà mẹ, khuyến khích và bảo vệ việc nuôi con bằng sữa mẹ”. Với dự thảo trên, một lần nữa, người tiêu dùng lại hy vọng mong manh rằng việc cấm quảng cáo sản phẩm thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi có thể khiến giá sữa không tăng, hoặc có thể giảm đi vì các hãng sữa luôn viện lý do tăng giá thành do chi phí quảng cáo, tiếp thị chiếm phần lớn trong sản phẩm. Thế nhưng, tất cả chỉ là cách siết theo những gì thông thường nhìn thấy. Còn thực tế, kinh doanh sữa giống như dạng chất lỏng, muốn uốn nó chảy theo hướng nào là sữa “luồn” được ngay theo hướng đó, quản lý chỉ bằng việc cầm nắm hiện hữu mà không nhìn thấy tận gốc vấn đề thì dù có đúng luật, sữa vẫn “tăng giá ngầm” bằng nhiều cách.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét